Hữu Thắng và hệ thống phòng ngự chưa hoàn chỉnh
Nhìn từ trận đấu găp Indonesia, có vẻ như ĐTVN đang mất ý thức phòng ngự từ xa, điều mà HLV Miura đã làm rất tốt khi bắt buộc cả tiền đạo cũng cần tranh bóng.
Pha mất bóng của Xuân Trường khiến ĐTVN nhận bàn thua đầu tiên là một ví dụ điển hình. Tiền vệ người Tuyên Quang có phần nhát chân khi tranh chấp tay đôi với Evan Dimas, và chỉ cần có vậy, đội bóng đến từ xứ Vạn đảo đã có bàn mở tỷ số.
Chính Lương Xuân Trường đã thừa nhận mình có phần thiếu tự tin ở trận đấu đó, đặc biệt là trong những pha tranh chấp tay đôi.
Điều này, HLV Hữu Thắng cũng đã giải thích trong buổi họp báo sau trận: “Tôi nhắc cầu thủ có thể “bỏ” bóng trong những pha năm ăn năm thua. Họ có quyền giữ gìn đôi chân của mình khi giải đấu chuẩn bị diễn ra”.
Chia sẻ của HLV Hữu Thắng không phải là không có lý. Nhưng cần phải nhớ rằng Xuân Trường chỉ được đánh giá cao ở khả năng cầm bóng, tấn công chứ chưa được coi là cầu thủ tranh chấp và phòng ngự tốt.
Tiền vệ xuất thân từ lò JMG cũng hơn một lần khẳng định mình cần cải thiện khả năng phòng ngự: "Điểm yếu lớn nhất của tôi lúc này là thể lực và khả năng phòng ngự. Tôi nghĩ cần phải cải thiện 2 yếu tố này để có thể chơi tốt hơn".
Không chỉ riêng Xuân Trường, nhiều cầu thủ khác của ĐTVN cũng “quên” nhiệm vụ phòng ngự từ xa, hoặc có ý thức chơi phòng ngự khi mất bóng.
Vấn đề này cũng được HLV Hữu Thắng nhìn nhận trong cuộc họp báo: “Ngoài pha bóng của Xuân Trường, còn nhiều tình huống nữa các cầu thủ đã chơi có phần chệch choạc, đặc biệt là cặp tiền vệ trung tâm.
Tôi cần tất cả cầu thủ phải nhanh chóng lùi về phòng ngự ngay khi mất bóng. Điều này phải được cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới, trước khi chính thức bước vào AFF Cup 2016”.
Ông thầy người Nghệ An cũng khẳng định, trận đấu gặp Indonesia chưa phải là thời điểm ĐTVN thể hiện hết sức mạnh của mình. Có thể hiểu HLV sinh năm 1971 vẫn còn nhiều “bài tẩy” chưa tung ra.
Thế nhưng, cần phải hiểu rõ pressing không phải là lối chơi hay “bài vở” để có thể giấu. Nó thực chất là một công cụ để giành quyền kiểm soát bóng, giống như việc chuyền bóng qua lại khi triển khai tấn công.
Dưới thời HLV Miura, bất kể cầu thủ nào trên sân cũng phải tham gia đuổi bóng, giảm áp lực cho hàng thủ ngay từ phần sân đối phương. Ông muốn toàn đội chơi pressing trong suốt trận đấu.
Chúng ta không xa lạ với từ "pressing" trong bóng đá. Hiểu một cách nôm na, pressing là việc áp sát, gây áp lực lên đối phương với mục đích giành quyền kiểm soát bóng. Vị thuyền trưởng sinh năm 1963 từng chê cầu thủ Việt Nam không có ý thức phòng ngự và chủ động tranh cướp bóng.
Ông nhận xét về bóng đá Việt Nam với truyền thông Nhật Bản: “Khi họ có quyền kiểm soát bóng thì họ chơi rất tốt. Nhưng tôi thấy nhiều khi để mất bóng xong là họ đứng chơi luôn”.
Nhà cầm quân này thường ưa dùng mẫu cầu thủ cơ bắp, thể lực tốt và yêu cầu kể cả tiền đạo cũng phải tham gia phòng ngự từ xa mỗi khi đối phương có bóng bằng cách pressing như đã nói.
HLV Miura từng chia sẻ khi nhận được câu hỏi vì sao vẫn sử dụng những tiền đạo có phong độ không tốt như Mạc Hồng Quân: “Có thể cậu ấy không làm tốt nhiệm vụ ghi bàn, nhưng Hồng Quân luôn thi đấu nỗ lực hết mình, cậu ấy tham gia tranh cướp bóng ngay ở phần sân đối phương.
Việc Quân thi đấu năng nổ có tác dụng thúc đậy toàn đội “nhiệt” hơn trên sân. Đó là điều tốt”.
ĐTVN khi đó chạy rất nhiều, ngay khi mất bóng, toàn bộ đội hình vừa lùi về, vừa "lùa" đối thủ. Lối chơi pressing toàn mặt sân này khiến thể lực của ĐTVN tăng lên rõ rệt và ai cũng phải công nhận điều đó dưới thời HLV Miura.
Một chi tiết có thể không liên quan, trong buổi tập thứ 2 trên sân Mỹ Đình để chuẩn bị cho trận đấu gặp Indonesia, HLV Hữu Thắng bất ngờ “xin” được tập kín và khi kết thúc, ông thầy người Nghệ An đã “họp đội” ngay giữa sân với thái độ khá gay gắt khi nói về cách chơi bóng của các cầu thủ…
Video hệ thống phòng ngự của ĐTVN dưới thời HLV Miura và HLV Hữu Thắng