Nhà báo Phan Đăng: Khoảnh khắc!
Thế là ĐTVN “ăn” 2-1. “Ăn” trong một trận đấu mà chính một quan chức VFF phải thừa nhận là “ăn rùa”, còn giới bình luận thì bảo trận đấu ấy, Đài Loan mới xứng đáng là người được ăn.
Những phút cuối trận Việt Nam – Iraq vừa rồi, chúng ta lại tiếc đến đứt ruột với cái tay vô tình để bóng chạm vào của Tiến Duy. Cái tay và trước đó là sai số của Công Vinh, Công Phượng khiến đội nhà bị gỡ hoà 1-1 những giây cuối cùng. Nhiều người bảo, trận này ta xứng đáng “ăn” còn Iraq xứng đáng ra về tay trắng.
Và như thế, 2 trận đấu liên tiếp ở vòng loại World Cup 2018 với 2 khoảnh khắc cuối trận rất khác nhau đã xảy ra với chúng ta, đẩy chúng ta vào 2 trạng thái cảm xúc cực kỳ khác nhau. Bóng đá, bản chất của nó là câu chuyện của khoảnh khắc – cái khoảnh khắc nằm ngoài mọi toan tính của con người, khiến con người có thể phát sốc đến vỡ tim mà chết. Thế nên sau khi những cái khoảnh khắc qua đi, chúng ta nên bình thản nhìn nhận lại một trận đấu, một lộ trình sao cho khách quan, chính xác.
Về điều này, ông Toshiya Miura có vẻ đang làm rất tốt. Ông không “nhảy dựng lên” với ông trọng tài cùng quyết định thổi phạt đền ở cái giây cuối cùng. Ông cũng không quá suýt xoa tiếc nuối với một bàn thua khiến công sức của cả một tập thể “đổ sông đổ bể” rồi từ đó trách móc, chì chiết cái người tạo nên bàn thua ấy – điều mà rất nhiều khán giả thể hiện sau trận đấu. Ông Miura bình thản nói trong phòng họp báo: “Kết quả hoà là hợp lý”. Cái “hợp lý” ở đây không chỉ nằm ở chỗ chúng ta thua bàn phút cuối ngay sau một trận đấu ăn bàn phút cuối, mà theo lý giải của ông thì trận này Iraq cũng đã tạo ra không ít cơ hội nguy hiểm, bất chấp việc lối chơi của họ đã ít nhiều bị bắt bài.
Cá nhân tôi rất thích sự bình thản cùng cái nhận xét “kết quả hợp lý” của ông Miura, vì nó cho thấy ông luôn giữ được một độ lạnh nhất định trong ngay cả những tình huống mà nhiều người, nhiều giới không thể lạnh. Chỗ này thì các cầu thủ Việt Nam và cả NHM Việt Nam cần phải học ông.
Vì nếu học thành công, chắc chắn chúng ta sẽ là những người làm chủ được khoảnh khắc hoặc đủ tỉnh táo, khách quan để rút ra những bài học cần thiết sau mỗi khoảnh khắc bước ngoặt xảy ra với mình, chứ không dễ dàng để cả lý trí lẫn cảm xúc của mình bị khoảnh khắc cuốn đi. Mà điểm chết trong tâm lý cầu thủ Việt Nam, NHM Việt Nam cũng như nền bóng đá này từ xưa nay là rất thiếu và rất yếu cái khả năng làm chủ quan trọng này.
Chúng ta dễ lên đỉnh, dễ xuống vực, dễ tưng bừng, dễ ỉu xìu, rồi dễ yêu, dễ ghét, dễ vui, dể buồn.. chỉ sau một vài khoảnh khắc, bất chấp đấy không phải là những khoảnh khắc làm hiển lộ bản chất thật của một vận động, một cuộc chơi!
PHAN ĐĂNG