Sự thay đổi ít người nhận ra của Công Phượng
Bất kể thời HLV nào từ cấp độ đội trẻ đến CLB, Công Phượng luôn là nhân vật chính. Song, ở thời HLV Park Hang Seo, anh tìm lại bản năng với vai trò "chim mồi".
Từ thời HLV Guillaume Graechen đến Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng hay Nguyễn Quốc Tuấn, vai trò của Công Phượng ở các đội bóng là bất khả xâm phạm. Cầu thủ xứ Nghệ được mặc định với vị trí sở trường là trung phong cắm.
Một vài thời điểm như SEA Games 2015 cùng U23 Việt Nam hay ở HAGL tại V.League 2017, HLV Toshiya Miura cũng như Nguyễn Quốc Tuấn đã kéo Công Phượng lùi sâu về khu vực trung tâm, thi đấu như một tiền vệ.
Dẫu bất kể vị trí nào, Công Phượng cũng là hạt nhân của đội bóng, thậm chí, lối chơi mà HLV xây dựng xung quanh chính tiền đạo này. Ở thời kỳ đầu của HLV Park Hang Seo, tiền đạo xứ Nghệ cũng luôn là trung tâm ở mặt trận tấn công.
Tại giải giao hữu M-150 Cup ở Thái Lan, Công Phượng là “đầu tàu” trên hàng công và mọi đường bóng triển khai lên phía trên chủ yếu đến địa chỉ của tiền đạo này. 4 bàn thắng trên đất Thái Lan minh chứng rõ tầm quan trọng của cầu thủ xứ Nghệ với lối chơi của U23 Việt Nam.
Bước vào VCK U23 châu Á, Công Phượng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu trên hàng công của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò thì đã có sự thay đổi. Ngay từ trận đấu đầu tiên với U23 Hàn Quốc, cầu thủ thuộc biên chế của HAGL thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh cái, thường xuyên hoán đổi vị trí đối diện của Quang Hải để phục vụ cho Hà Đức Chinh ở vai trò trung phong.
Trận đấu sau đó với U23 Australia, Công Phượng cũng được sử dụng ở vai trò tiền vệ, hỗ trợ cho Văn Toàn đá cắm. Những trận đấu sau đó với U23 Syria, U23 Iraq, U23 Qatar và U23 Uzbekistan, tiền đạo xứ Nghệ thi đấu với vai trò trung phong.
Tuy vậy, nhiệm vụ của tiền đạo xứ Nghệ đã thay đổi. Công Phượng không còn là điểm đến mặc định của những pha lên bóng. Nhiệm vụ của anh là làm “chim mồi”, thu hút sự chú ý của hậu vệ đối phương. Với tâm thế của đội bóng bị đánh giá yếu hơn, khả năng giữ bóng, tự tin cầm bóng.
Công Phượng bình lặng giữa sự tỏa sáng của Quang Hải nhưng vai trò của tiền đạo này thì rất quan trọng. “Công Phượng đến với U23 châu Á 2018 không phải với nhiệm vụ của một người "chia bài" hay là người phân phối bóng.
Đó là công việc của Xuân Trường. Nhiệm vụ chính của Công Phượng là đánh chặn và cậu ấy đã làm rất tốt những gì mà ông Park đề ra", cựu tuyển thủ Mạnh Dũng khẳng định. Trong khi đó, nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ: “Nhiều người cho rằng Công Phượng chơi mờ nhạt, nhưng tôi coi đó là một sự hy sinh”.
“Là một cầu thủ, cần phải theo sự chỉ đạo của HLV và thích nghi với những thay đổi đó. Có một vài thời điểm, Phượng mất phương hướng, không biết mình nên thay đổi ra sao. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của các thầy, Phượng lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người để rút ra bài học giúp mình thay đổi phù hợp hơn. Quả thực, Phượng cảm thấy khó khăn khi phải thay đổi bởi nó như thói quen hàng ngày vậy nhưng điều này lại giúp mình trưởng thành hơn.
Ở VCK U23 vừa rồi, Phượng không thi đấu hết trận, đó là chiến thuật của ban huấn luyện. Bản thân Phượng, luôn đề cao thành tích của toàn đội. Vinh quang có thể đến với bất kỳ ai, không cứ phải Công Phượng, Xuân Trường, hay Quang Hải. Mọi người đều rất xứng đáng”, Công Phượng bày tỏ.
Chỉ có 1 bàn thắng ở VCK U23 châu Á 2018, nếu so với con số 5 bàn thắng của Quang Hải thì không sánh bằng. Tuy nhiên, thật khập khiễng để đặt cạnh hai con số đó. Công Phượng đã phải hy sinh, hệt như tình huống anh bị phạm lỗi trong trận chung kết với U23 Uzbekistan, từ đó, Quang Hải thực hiện cú sút phạt đẳng cấp san bằng tỷ số 1-1.
Khá thầm lặng nhưng sự hiệu quả là điều mà Công Phượng đã mang lại.