Tân binh U23 Việt Nam Hoàng Minh Tuấn: Trái bóng, kẻ thù và hình bóng mẹ già
Nắng nẻ đầu, mưa xối xả chắp cánh ước mơ
Tình yêu bóng đá chớm nở với Hoàng Minh Tuấn ngay thuở bé. Nhà ở gần trường, lại có sân bóng, cứ rảnh chân là chúng bạn xung quanh lôi nhau ra quần thảo với trái bóng tròn. Thích cảm giác mạnh nên cứ trời nắng to hay mưa xối xả thì lại tụ tập vui đùa.
"Thời đó những đứa trẻ ở xóm thích đá trời mưa to lắm vì lúc đó sân ướt, có thể trượt ăn mừng như các trận đấu ở châu Âu. Hình phạt cho đội thua là phải chui qua háng đội thắng", chàng trai quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình kể lại mà không khỏi bật cười.
Chàng trai quê lúa Thái Bình, Hoàng Minh Tuấn đã trải qua nhiều biến cố để nếm trải hạnh phúc. Ảnh:Hải Đăng
Chơi nhiều, đam mê quá nên với Tuấn, bị bong gân ngón chân hay cổ chân cũng chẳng là gì. Có hôm Tuấn ăn mừng như trên tivi bị trầy xướt hết cả đùi và đầu gối. Ấy thế, hôm sau vẫn chân trần ra đá. Những năm 2003, 2005, Tuấn bắt đầu xem bóng đá nhiều hơn ở tivi và mê mẩn Văn Quyến. Cựu tiền đạo SLNA là người truyền cảm hứng để Tuấn theo nghiệp "quần đùi áo số".
Ở Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2008, Tuấn lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên U13 Thái Bình. Sau đó, trường năng khiếu tỉnh gửi giấy về mời đi tuyển sinh. Tuấn đi theo tiếng gọi con tim. Cậu bé nhỏ nhắn cùng mẹ lên tỉnh dự tuyển và không mấy khó khăn để vượt qua. Từ đó, Tuấn bước sang ngã rẽ mới của cuộc đời. Ngay năm đầu tiên đó, U13 Thái Bình đã đoạt huy chương đồng VCK U13 toàn quốc.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang với cậu bé mới 13 tuổi, lại vừa như trên thiên đường sau thành tích ấn tượng đó. Thái Bình chỉ có U11 và U13 nên sau giải đấu, Tuấn lại phải phiêu dạt. Cậu cùng với một người bạn được tuyển vào đội trẻ của một CLB thi đấu ở chuyên nghiệp tại Hà Nội lúc bấy giờ.
Với Tuấn, "tôi không có kỷ niệm nào in sâu với mẹ cả vì mẹ làm tất cả cho tôi và vì tôi". Thời gian đầu tập trung ở đội trẻ Nam Định, Tuấn bỡ ngỡ, e sợ vì lúc đó là đứa yếu và nhỏ nhất đội. Tuy nhiên, mẹ luôn ở bên động viên để Tuấn tiếp bước con đường với trái bóng tròn.
Mẹ của Hoàng Minh Tuấn luôn dõi bên con trai theo từng đường bóng. Ảnh: NVCC
Năm 15 tuổi, Tuấn không được đăng ký đá vòng loại U15 toàn quốc. Thế là, cậu giận dỗi, trong người cục tính rồi gọi điện khóc lóc với mẹ, xin về. "Lúc đó tôi muốn bỏ hẳn bóng đá, đôi khi không còn xem là người bạn nữa. Nhưng rồi, mẹ động viên, bảo ban và tôi suy nghĩ lại", chàng trai quê Thái Bình kể lại.
Lúc Tuấn về đầu quân cho Nam Định cũng lúc đội bóng thành Nam tụt dốc không phanh ở đội 1 lẫn các tuyến trẻ. "Nhiều lần tôi muốn nghỉ vì lứa bọn tôi đi đá vòng loại cứ bị xem là kho điểm. Mỗi lần đi đá về tủi thân, buồn lắm. Cứ như thế là trong đầu lại có ý định nghĩ vì không thấy tương lai xán lạn".
Mẹ đã làm tất cả, hy sinh, chịu bao cay đắng vì tôi. Giờ là lúc tôi phải phấn đấu để làm tất cả cho mẹ
"Tôi đã biết lỗi và xin lỗi các thầy. Khi được tập luyện trở lại, cảm giác khác hẳn, tập chẳng khác nào con thiêu thân. Sau buổi tập vẫn cố nán lại để tập thêm", với Tuấn, đây là thời khắc để chàng trai sinh năm 1995 này dứt hẳn ý nghĩ từ bỏ nghiệp "quần đùi áo số".
Khi vấn đề tư tưởng với một cầu thủ trẻ được đả thông Tuấn chuyên tâm vào tập luyện và thi đấu. Và rồi, phần thưởng xứng đáng cho tiền đạo này là anh được triệu tập vào danh sách 30 cầu thủ Olympic Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2018.
Người hâm mộ đội bóng thành Nam tự hào khi gần 10 năm qua, họ mới có "đứa con" lên Tuyển. Ảnh: VPF
"Tôi chỉ muốn khi chắc chắn thông tin này mới báo cho mẹ. Nhưng qua các trang mạng xã hội, mẹ biết và đã gọi chúc mừng. Ở xa nên tôi không biết cảm giác của mẹ lúc đó như thế nào nhưng chắc mẹ vui lắm, tự hào lắm rồi khuyên bảo tôi cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi và lấy lại sức cho trận đấu sắp tới gặp Quảng Nam", Tuấn giãi bày mà nghẹn ứ cả cổ. Với chàng trai quê lúa Thái Bình, "Mẹ đã làm tất cả, hy sinh, chịu bao cay đắng vì tôi. Giờ là lúc tôi phải phấn đấu để làm tất cả cho mẹ".