Thầy Park không sợ Thái Lan, Văn Hậu “chê” người Thái: Xưa rồi Thái ơi!
Bấy lâu nay, bóng đá Việt Nam luôn bị át vía bởi Thái Lan. Ở mọi cấp độ, từ các đội U cho đến ĐTQG hay đội tuyển nữ, Việt Nam bị lép vế so với đối thủ. Thậm chí, nhiều cầu thủ còn tiết lộ, họ thường bị khớp mỗi khi đối đầu với Thái Lan.
Và bài toán đầu tiên ngay sau khi dẫn dắt các ĐT Việt Nam của HLV Park Hang Seo là vượt qua nỗi ám ảnh người Thái. Ở giải giao hữu M-150 Cup 2017 trên đất Thái, U23 Việt Nam thắng 2-1. Đó cũng là bước đệm để bóng đá Việt Nam cùng HLV Park Hang Seo thăng hoa tột độ ở 4 giải đấu lớn sau đó. Trái ngược với sự thăng hoa của Việt Nam, Thái Lan gây thất vọng não nề. Họ bị loại ở VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 2018 ngay từ vòng bảng, bị loại ở bán kết AFF Cup 2018 và dừng bước ở vòng 1/8 Asian Cup 2019 với lối chơi thiếu thuyết phục.
Khi độ chênh về thành tích có sự khác biệt và với những gì mà bóng đá Việt Nam đã làm được, người Thái dần dần không còn là nỗi ám ảnh. Họ cũng không phải là mục tiêu mà chúng ta bắt buộc phải vượt qua. “Trước đây mỗi khi gặp Thái Lan, các cầu thủ Việt Nam thường bị tâm lý lo sợ. Nó có thể đến từ sự chênh lệch trình độ, hoặc quá khứ đối đầu thua nhiều hơn thắng. Điều này khiến họ chơi không tốt, dẫn đến những kết quả đáng buồn nhưng giờ, tôi tin là họ không còn cảm giác đó nữa.
Tôi nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp Thái Lan, họ vẫn là một đội bóng mạnh. Nhưng mục tiêu của Việt Nam cao hơn rồi. Chúng ta phải xác định đối thủ trực tiếp là Hàn Quốc, Nhật Bản”, HLV Park Hang Seo thổ lộ. Cùng quan điểm với người thầy của mình, thủ môn Bùi Tiến Dũng cho hay: “Tôi biết Thái Lan từng là nỗi ám ảnh của các cấp độ đội tuyển Việt Nam nhưng bây giờ đã khác. Chúng tôi không còn nỗi sợ hãi Thái Lan”.
Bản thân hậu vệ Đoàn Văn Hậu nếu được chọn ra nước ngoài thi đấu, Thái Lan không phải là điểm dừng chân, bởi: “Tôi muốn được thử sức ở châu Âu còn nếu ở tầm châu Á, tôi muốn đến các nền bóng đá phát triển tầm Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi không thích sang Thái Lan vì giải VĐQG của họ cũng không hơn Việt Nam là bao”.
Những quy chuẩn, thước đo về người Thái đã là quá khứ khi giờ đây, mọi thành viên của đội tuyển Việt Nam đều hướng đến khát vọng mới. Thật khập khiễng để so sánh về sự phát triển của bóng đá Việt Nam và Thái Lan nhưng với những thành công vừa qua, chúng ta đã làm được những điều mà bóng đá Thái Lan đau đáu bấy lâu nay.
Tâm lý buộc phải đánh bại Thái đã không còn mà giờ đây, dường như, đội bóng xứ Chùa Vàng mới là đội “nôn nóng” đánh bại Việt Nam. Điểm lại những khách mời ở giải đấu King Cup để thấy, Thái Lan luôn có cách lựa chọn đối thủ hợp từng thời điểm. Kể từ khi giải đấu tổ chức theo thể thức đá bán kết rồi tranh hạng ba, chung kết vào năm 2015, Thái Lan chưa mời một đội bóng trong khu vực Đông Nam Á. Ở năm 2018, năm được xem là bản lề cho Asian Cup 2019, Thái Lan mời những đối thủ rất mạnh như Gabon, Slovakia hay UAE.
Còn ở năm nay, ngoài Việt Nam, hai đối thủ còn là đều là những đội bóng mà Thái Lan nhận thất bại ở Asian Cup 2019 là Ấn Độ và Trung Quốc. Thái Lan vẫn luôn là đội bóng mạnh nhưng tâm lý sợ người Thái thì đã là quá khứ.