"Trái đắng" cho VFF: Khi thất bại là mẹ... thất bại
Chuyện cầu thủ “tự biên tự diễn” là điều tối kỵ trong bóng đá, nhất là ở cấp đội ĐTQG. Và trong lịch sử BĐVN chưa bao giờ xảy ra chuyện hy hữu là cả 2 ĐTQG “bật” HLV. Thế nhưng dưới thời 2 chuyên gia người Nhật thì chuyện đáng buồn ấy đã xảy ra
Sau khi HLV Takashi bị ĐT nữ VN “bật” ở VL thứ 2 Olympic 2016 thì đến lượt HLV Miura bất lực trong việc kiểm soát khi các cầu thủ tự điều chỉnh, bảo nhau đá ở trận đấu cuối cùng VCK U.23 châu Á trước U.23 U.A.E. Và ở một khía cạnh nào đó, chuyện U.23 VN tự đá có thể bị ảnh hưởng từ chuyện ĐT nữ VN “bật” HLV Takashi.
Cần nhớ rằng khi câu chuyện của ĐT nữ VN diễn ra, một thời gian sau thì VFF đã không có cuộc mổ xẻ ở nhiều khía cạnh để rút kinh nghiệm như một bài học nhãn tiền. Ngược lại, họ đã chọn cách “chữa cháy” bằng việc chấm dứt hợp đồng với HLV Takashi trong sự lặng lẽ. Thậm chí, người trong nhà như PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ chỉ biết được mọi chuyện khi ông thầy người Nhật lên chào ra về.
Sai ngay từ lúc chọn HLV cho ĐTVN với một ông thầy chưa bao giờ làm bóng đá nữ và sửa sai theo cách “chữa cháy” âm thầm, VFF rõ ràng đã không lường được hậu quả. Thế nên mới xảy ra chuyện U.23 VN tiếp bước ĐT nữ VN để thi đấu theo cách của mình, như cách phản ứng lại cách làm bất hợp lý của ông Miura. Và đó là vấn đề, không chỉ của một trận đấu hay tình huống cụ thể, nhất là khi những người có trách nhiệm ở VFF cũng “nhắm mắt”.
Chuyện của các ĐTQG nam nữ dưới triều đại của 2 chuyên gia Nhật, trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về VFF, khi từ cách tuyển chọn HLV đến việc nắm bắt, kiểm soát bị buông lỏng khi giao khoán cho chuyên gia ngoại để rồi khi xảy ra vấn đề thì “chữa cháy” theo cái cách không giống ai.