Thất bại của U.19 Việt Nam và bài học phát triển tài năng trẻ từ người Nhật
Trước một đội bóng được xem là hiện tượng của giải đấu như U.19 Việt Nam, HLV Uchiyama đã có một quyết định gây nhiều bất ngờ khi tung ra một đội hình có tới 10 sự thay đổi so với trận thắng Tajikistan tại tứ kết.
Cầu thủ duy nhất không bị thay đổi là tiền vệ Mizuki Ichimaru, người hiện thuộc biên chế của CLB Gamba Osaka đang thi đấu tại J.League 1. Dù chỉ mới 19 tuổi, Ichimaru đã được thử lửa thường xuyên tại giải đấu bóng đá khắc nghiệt nhất tại Nhật Bản. Riêng ở mùa giải 2016, tiền vệ này đã có được 19 lần ra sân và đóng góp 4 pha kiến tạo cho đội chủ sân Suita City Football đứng ở vị trí thứ 4 trên BXH.
Bên cạnh những điểm nổi trội về tư duy chơi bóng, các cầu thủ trẻ của U.19 Nhật Bản có tỏ ra ưu thế hơn U.19 Việt Nam về mặt kinh nghiệm thi đấu. Có tới 13 trong số 23 cầu thủ Nhật Bản đến với giải U.19 châu Á lần này thuộc biên chế của những CLB đang thi đấu tại J.League 1, còn lại là những cầu thủ thi đấu tại J.League 2 (1 người), J.League 3 (2 người) và những đội bóng của các trường trung học, đại học hoặc những đội U.18, U.19 trên khắp cả nước (7 người).
Phần lớn những cầu thủ thường xuyên được đá chính tại giải đấu năm nay đều là trụ cột ở cấp độ CLB. Đồng đội của Ichimaru, Ritsu Doan, đã in dấu giày trong 17 bàn thắng của Gamba Osaka ở mùa giải này (9 bàn thắng, 8 kiến tạo). Trong khi đó, tiền đạo Takeru Kishimoto hay tiền vệ Koji Miyoshi cũng là những quân “bài tẩy” của Cerezo Osaka và Kawasaki Frontale tại các đấu trường mà họ tham dự.
"Việc thay đổi nhân sự trong đội hình xuất phát là để tạo điều kiện cho những cầu thủ chưa được thi đấu. Tôi có nhiều cầu thủ khác nhau trong tay nhưng lại chơi thứ bóng đá đơn giản vì vậy tôi tin học trò của mình có thể chơi như ý mình”, HLV Uchiyama cho biết.
Mọi chuyện dường như đã nằm trong kế hoạch của vị chiến lược gia này bởi dù được gọi là "đội hình dự bị", các cầu thủ được tung vào sân trong đội hình xuất phát có phong độ không hề kém cạnh so với những cầu thủ đá chính tại giải lần này. Các gương mặt mới chỉ thi đấu 2 trận như Takeru Kishimoto hay Keita Endo đều là những cầu thủ trẻ có phong độ tốt và được thử lửa thường xuyên ở các giải đấu trong nước. Điển hình là Takeru Kishimoto khi anh đã có 4 bàn thắng và 2 pha kiến tạo thành bàn sau 14 trận chơi cho Cerezo Osaka kể đầu mùa giải 2016.
Xét rộng hơn, hầu hết tất cả các cầu thủ của U.19 Nhật Bản đều được ra sân một cách thường xuyên trong đội hình 1 của các CLB mà họ đầu quân. Có thể kể ra một số cái tên như Yuta Nakayama (31 trận), Keita Endo (28 trận), Ritsu Doan (23 trận) hay Mizuki Ichimaru (19 trận). Trong khi đó, với 3 pha lập công tại giải đấu năm nay, Yuto Iwasaki và Koki Ogawa hứa hẹn sẽ là những tầm ngắm của những CLB chuyên nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong thời gian sắp tới.
Chính việc thường xuyên được cọ xát trong những môi trường bóng đá đỉnh cao và khắc nghiệt đã giúp cho các học trò HLV Uchiyama có được bản lĩnh thi đấu trong những giải đấu lớn, đồng thời không tạo ra độ "vênh" quá nhiều giữa đội hình chính và đội hình dự bị. Ngược lại, điểm mạnh của U.19 Nhật Bản là điểm yếu cố hữu của các cầu thủ Việt Nam. Trong danh sách 22 cầu thủ mà HLV Hoàng Anh Tuấn mang đến giải đấu năm nay, tiền vệ Nguyễn Quang Hải là người được thi đấu thường xuyên nhất. Tại mùa giải 2016, Quang Hải được ra sân 28 lần ra sân và ghi 3 bàn thắng trong màu áo Hà Nội T&T.
Trong khi đó, tiền đạo Trần Thành là chân sút có hiệu suất ghi bàn tốt thứ 2 cho CLB bóng đá Huế với 5 pha lập công, giúp thầy trò HLV Nguyễn Đức Dũng cán đích ở vị trí thứ 7 tại giải Hạng Nhất 2016. Ngoài ra, phần lớn những cái tên còn lại của U.19 Việt Nam dành nhiều thời gian trên băng ghế dự bị, hơn là việc được xỏ giày thi đấu tại V.League hay Hạng Nhất.
Sau trận thua, HLV Hoàng Anh Tuấn của U.19 Việt Nam chia sẻ: “Cuối cùng, đội mạnh đã đánh bại đội yếu. Tôi đã nói với các cầu thủ của mình trước trận rằng Nhật Bản rất mạnh và chúng ta đều thấy điều đó ở những pha tấn công cũng như phòng ngự của họ. Trận đấu hôm nay cho thấy chúng tôi còn hố sâu ngăn cách về đẳng cấp. Chúng tôi đang hướng tới VCK U.20 World Cup vào năm sau; có rất nhiều điều cẩn cải thiện và tôi có thể chỉ ra nhưng chúng tôi cần thời gian".
Và phải chăng, một trong những điều cần cải thiện nhất lúc này chính là tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ trẻ được thử lửa ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên, khi mà vấn nạn "bạo lực sân cỏ" vẫn còn tồn đọng tại V.League hay cuộc chiến kim tiền giữa các CLB trong cuộc đua vô địch, sự phát triển của các cầu thủ trẻ có lẽ chưa thể được giải quyết trong một sớm, một chiều.
Theo kế hoạch, trận chung kết giải U.19 châu Á giữa U.19 Arab Saudi và U.19 Nhật Bản sẽ diễn ra vào lúc 21h30 ngày 30/10 trên SVĐ Quốc gia Bahrain.
Video: Diễn biến chính của trận đấu giữa U.19 Việt Nam và U.19 Nhật Bản