U.23 đá giao hữu tại địa phương: Phá cách và thành công
Trong lần đầu tiên VFF quyết định đưa 1 trận đấu giao hữu quốc tế ở cấp độ đội tuyển về địa phương tổ chức, ít nhiều các nhà tổ chức đã gặt hái được thành công.
“Khi mới bắt đầu tiếp nhận thông tin sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) sẽ tổ chức trận giao hữu giữa U.23 VN và U.23 Myanmar, chúng tôi thật sự cảm thấy lo lắng và thiếu tự tin. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự ủng hộ của các bên liên quan và việc hướng dẫn cặn kẽ của VFF, sân Cẩm Phả đã quyết định nhận nhiệm vụ và vừa làm vừa học hỏi”, ông Nguyễn Ngọc Anh Cường, Phó Trưởng BTC trận đấu cho biết.
Cũng theo ông Cường, do đây là lần đầu tiên, nên tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, công tác tổ chức, phát hành vé đều phải lên phương án rất kỹ càng. “So với các trận đấu ở V.League, chúng tôi đã phải tăng cường gấp đôi lực lượng an ninh, từ 300 lên tới 600 người. Bên cạnh đó, việc phát hành vé và kiểm soát khán giả vào sân cũng được tính toán và làm chặt chẽ. Vì thế sân Cẩm Phả mới có thể xóa đi nghi ngờ về khả năng vỡ sân”, ông Cường nói.
Với Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, ông đánh giá rất cao về công tác tổ chức của trận giao hữu có quy mô quốc tế. “Chúng tôi đang bắt đầu thử nghiệm việc tổ chức các trận đấu tương tự tại các địa phương và hôm qua BTC sân Cẩm Phả đã làm rất tốt công việc của mình. Mục tiêu ĐTQG, U.23 VN thi đấu để phục vụ khán giả, vì thế VFF sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”.
Sân Cẩm Phả hôm qua đã không còn 1 chỗ trống, đó là sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, an ninh luôn đảm bảo và CĐV được sống trong không khí cuồng nhiệt nhất, với hàng loạt tiết mục ca nhạc trước trận đấu và 90 phút bóng lăn. “Dù phải bỏ ra 200 nghìn đồng để mua vé vào sân và U.23 VN không thể đánh bại được đối thủ, nhưng với tôi đó vẫn là một trải nghiệm thú vị”, bác Đoàn Văn Yên, 60 tuổi, đi từ Mạo Khê-Quảng Ninh lên Cẩm Phả xem trận đấu cho biết.
TRÚC AN