U23 Việt Nam: Họ đến từ đâu trên mảnh đất hình chữ S?
Tính theo quê quán của các cầu thủ từ Hà Tĩnh trở ra thì khu vực phía Bắc áp đảo hoàn toàn trong thành phần U23 Việt Nam.
U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích ở lần thứ hai tham dự VCK U23 châu Á khi vào đến trận chung kết. Đoàn quân của HLV Park Hang Seo chỉ chịu thua U23 Uzbekistan ở đúng phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2. Chiến lược gia người Hàn Quốc luôn đề cao tính tập thể khi cho rằng, các cá nhân phải phục vụ đội bóng.
Ông cũng đề cao nguyên tắc chọn cầu thủ dựa trên yếu tố chuyên môn, đạo đức và sinh hoạt. Chỉ những cầu thủ mà ông trực tiếp xem mới “lọt vào mắt xanh”. Ông cùng đội ngũ cộng sự phải lựa chọn khắt khe để chốt danh sách đội hình đi Trung Quốc.
Thật ngẫu nhiên, ở đợt chốt danh sách 23 cầu thủ dự VCK U23 châu Á 2018, có sự thiếu cân đối vùng miền. Lấy Hà Tĩnh làm ranh giới giữa hai miền thì số lượng cầu thủ phía Bắc chiếm ưu thế với con số 19 trong khi phía Nam chỉ có 4 cầu thủ là Đặng Ngọc Tuấn (An Giang), Trương Văn Thái Quý (Quảng Trị), Châu Ngọc Quang (Quảng Nam) và Nguyễn Phong Hồng Duy (Bình Phước).
Không chỉ áp đảo số lượng, các cầu thủ phía Bắc còn có thời gian ra sân nhiều hơn. Đa số 19 cầu thủ đó đều là quân bài chiến lược của HLV Park Hang Seo. 4 cầu thủ Nghệ An trở vào thì 3 cầu thủ (Ngọc Tuấn, Thái Quý, Ngọc Quang) không đá phút nào, Hồng Duy chưa đá chính thức trận nào và 2 lần vào sân từ băng ghế dự bị với việc được đá 70 phút. Tiền vệ gốc Bình Phước chính là nhân tố tạo đột biến ở trận bán kết với U23 Qatar khi có những pha bứt tốc mạnh mẽ, khéo léo, khuấy đảo hành lang cánh trái.
Đây chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên nhưng ngẫm lại không phải sự tự nhiên mà đến. Những cầu thủ trẻ, giàu triển vọng chủ yếu xuất thân từ phía Bắc bởi các địa phương ở khu vực này chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, có hệ thống bài bản. Chẳng hạn như Hà Nội, Nghệ An hay những địa phương được biết đến nổi tiếng ở lứa thiếu niên, nhi đồng như Thái Bình, Hải Dương, Tuyên Quang,...
Một số trung tâm đào tạo trẻ mạnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An,...cũng không giữ được ưu thế. Các trung tâm như HAGL thì tuyển sinh trên cả nước trong khi SHB Đà Nẵng trông cậy vào lò PVF trong thời gian dài sắp tới. Việc có rất ít cầu thủ góp mặt và không có nhiều cầu thủ trụ cột ở U23 Việt Nam cũng là điều hợp lý.
Trong số các địa phương thì Nghệ An và Hải Dương góp mặt nhiều đại diện nhất với 4 cầu thủ. Đất xứ Nghệ luôn là nơi sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng cho bóng đá nước nhà và có mặt trên khắp cả nước. Trong khi đó, dù không có đội 1 nhưng Hải Dương là “cái nôi” giàu tiềm năng mà các trung tâm đào tạo hay học viện trên toàn quốc luôn chú ý đến. Tiếp đến là Thanh Hóa và Hà Nội với 3 đại diện.