Vấn đề của ĐTVN: “Mang Miura… bỏ chợ”

thứ ba 20-10-2015 13:17:41 +07:00 0 bình luận
Lần đầu đặt chân đến Việt Nam và cũng là lần đầu nhà cầm quân này dẫn dắt một ĐTQG, ông Miura rất cần những cộng sự có kinh nghiệm, những cánh tay nối dài và đặc biệt là sự trợ giúp chuyên môn, cách quản lý của chính những “ông chủ”. Thế nhưng, dường như những yếu tố đó là quá sức với bộ phận làm chuyên môn ở VFF.

Ai làm chuyên môn?

Người có trách nhiệm cao nhất trong việc liên hệ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những đề xuất của HLV trưởng, đầu tiên phải là PCT phụ trách chuyên môn, ông Trần Quốc Tuấn.

Kế đến là phòng các ĐTQG, Hội đồng HLV Quốc gia và các Trợ lý trong BHL. Thế nhưng, đây chỉ là câu chuyện phân công nhiệm vụ ở tổ chức xã hội – nghề nghiệp này, còn thực tế vai trò và trách nhiệm đối với chính công việc được giao lại tồn tại những bất cập, vô lý.

Đầu tàu của bộ phận chuyên môn ở VFF là ông Trần Quốc Tuấn. Một người rất nhiều chức vụ ở AFF, AFC và với quá nhiều vị trí khác nhau, ông Tuấn luôn phải “vắt chân lên cổ chạy” để họp hành, giám sát, điều phối, điều hành… nên đương nhiên chuyện công tác nước ngoài là “như cơm bữa”.

Cần phải nghiêm túc nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của ông PCT chuyên môn, khi phần “đối nội” gần như bỏ lỏng. Là người phụ trách chuyên môn nhưng ông Tuấn lại bị đa phần chuyên gia bóng đá cho là người “ngoại đạo”, kiểu như đá “chân không thuận”. Ở đây có thể hiểu, vai trò của ông Tuấn, nếu có, thì chỉ là giúp việc và chạy việc hơn là thể hiện phần chuyên trách của mình dưới dạng “tổng quản”.

Ở VFF còn có 2 bộ phận khác lo chuyên môn là Phòng các ĐTQG, Hội đồng HLV QG nhưng cũng như vị trí chủ chốt của chính bộ phận này, ông Tuấn vừa là PCT phụ trách chuyên môn và kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng HLV QG. Trong khi đó, Phòng các ĐTQG nhiệm vụ chính cũng chỉ là lo công văn, giấy tờ.

Vừa rồi, ông Tuấn được chấp thuận cho rút khỏi ghế Chủ tịch Hội đồng HLV QG và đề xuất HLV Mai Đức Chung thay thế nhưng chưa được chấp thuận. Và khi PCT phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức tiến cử ông Lê Thụy Hải, rồi ông Hải “bắc cầu” qua cựu tuyển thủ Vũ Mạnh Hải nhưng đều bị từ chối với câu trả lời: “Chức danh này, ngồi để làm bù nhìn thì nhận làm gì?”.

Để ông Miura bị bỏ rơi

Có cảm giác 17 tháng làm việc ở Việt Nam, HLV Miura đang phải chịu sự cô đơn lạ thường. Từ sinh hoạt cho đến chuyên môn, ông thầy người Nhật gần như “làm tất ăn cả”. Trong buổi lễ ký kết hợp đồng, ông Miura tiết lộ khi làm việc ở Việt Nam ông sẽ mang theo một Trợ lý chuyên môn người Nhật sang giúp việc nhưng yêu cầu đó bất thành vì lý do tài chính.

Đổi lại, ông Miura yêu cầu VFF phải kiếm những Trợ lý người Việt có chuyên môn và tầm ảnh hưởng tốt tới BĐVN nhưng cũng thất bại. Đầu tiên là HLV Hoàng Văn Phúc, ông Miura nhờ các quan hệ và thuyết phục trực tiếp. Thế nhưng dù tâm huyết, muốn cống hiến nhưng do có nhiều vướng mắc sau khi chia tay ĐTVN nên ông Phúc từ chối. Vì VFF không thể thuyết phục được các HLV nội lên hỗ trợ ông Miura như kế hoạch, nên cuối cùng thì mỗi đợt tập trung, cứ có sao dùng vậy. Nói theo cách của nhiều người thì các Trợ lý người Việt của HLV Miura lâu nay chỉ đủ khả năng đảm bảo tốt về mặt thời gian, nghĩa là đến giờ tập thì ra sân sớm nhất và về muộn nhất.

Khi những cánh tay nối dài không có thì nơi mà ông thầy người Nhật cầu viện chính là bộ phận chuyên môn ở VFF. Nhưng, ông Miura cũng không thể nhờ cậy gì, khi PCT phụ trách chuyên môn thường xuyên “vắng nhà” với hàng “núi” công việc quốc tế và ngoài chuyên môn.

Trong các buổi tập, đá nội bộ hay giao hữu của ĐTQG hay U.23 QG, gần như không bao giờ thấy bóng dáng của bộ phận chuyên môn dự khán, tư vấn và góp ý. Thi thoảng mới thấy sự có mặt của ông Tuấn hay một vài cán bộ ở Phòng các ĐTQG ghé thăm nhưng đó cũng chỉ là xã giao hoặc những công việc giấy tờ.

Ông Miura là người nước ngoài, lần đầu làm việc ngoài lãnh thổ quê hương và cũng lần đầu ngồi ghế HLV trưởng của 1 ĐTQG, cần những trợ lý, cộng sự và cả những người quản lý chuyên môn biết việc và có khả năng đóng góp ý kiến tư vấn, có sự hiểu biết về môi trường bóng đá bản địa, qua đó thu hẹp rào cản “lạ nước lạ cái” với HLV nước ngoài. Thế nhưng, cả VFF với đầy đủ phòng-ban chức năng gần như bị tê liệt với chính vai trò và nhiệm vụ của mình. Vậy, có đúng là ông thầy người Nhật đang bị bỏ rơi?!

TRÚC AN

Giống như HLV Mai Đức Chung, HLV Phạm Như Thuần được “xếp mâm” ở Phòng các ĐTQG nhưng làm một thời gian ngắn, cựu tuyển thủ QG này cũng chạy theo tiếng gọi của CLB để về đầu quân cho T.Quảng Ninh.

Chia tay Thanh Hoá gần cuối mùa 2014, HLV Mai Đức Chung được “xếp chỗ” ở Phòng các ĐTQG và tạm thời dẫn dắt ĐT nữ. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng thì ông Chung rời VFF về làm GĐKT B.Bình Dương. Sau chức vô địch V.League 2015, ông Chung chia tay đội bóng đất Thủ và được dọn đường quay về VFF. Ở Hội nghị BCH lần thứ 4 khoá VII, ông Chung được PCT Trần Quốc Tuấn tiến cử cho vị trí Chủ tịch Hội đồng HLV QG thay thế mình nhưng bị nhiều Ủy viên BCH phản đối.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội