U.23 VN trước giờ G: Trò chơi “đuổi hình, bắt chữ”
Phong cách Miura
Hai trận đấu tập chất lượng trên đất Qatar được xem là cơ hội để HLV Miura chốt đội hình, tập cho bộ khung cứng của U.23 VN. Thế nhưng khá ngạc nhiên, ông người Nhật đã có 4 sự thay đổi trước U.23 Nhật Bản so với đội hình xuất phát ở trận gặp U.23 Yemen. Và 2 trận đấu tập này có điểm chung là U.23 VN đã thi đấu mỗi hiệp với một đội hình khác nhau.
Lịch sử BĐVN từ HLV nội đến HLV ngoại, có lẽ không một nhà cầm quân nào xoay đội hình nhiều như ông Miura. Từ giải đấu chính thức đến các trận đấu tập, giao hữu, đội bóng của ông thầy người Nhật luôn thi đấu với những đội hình khác nhau. Thế nên, trong bất kể tình huống hay hoàn cảnh nào, bóng chưa lăn chưa thể biết được ông thầy người Nhật bày binh bố trận ra sao cho đội bóng, kể cả các cầu thủ cũng mơ hồ chuyện được đá chính hay không, đá ở vị trí nào và chơi ra sao…
Thực tế, từ VL U.23 châu Á đến SEA Games 28, cả 10 trận đấu của U.23 VN đều được HLV Miura xoay đội hình theo từng đối thủ, với những sự thay đổi về mặt con người lẫn phong cách chơi, bất kể đó là đối thủ bị xếp “dưới mâm” như U.23 Lào và U.23 Brunei. Cứ mỗi trận đấu, ông thầy người Nhật lại trình làng một đội hình khác nhau, với những sự xáo trộn gây ngạc nhiên lớn.
Thậm chí, tại vòng bảng SEA Games 28, ông thầy người Nhật thường xuyên thay đổi cả nửa đội hình của U.23 VN theo từng trận đấu. Điển hình sau chiến thắng giòn giã 5-1 trước U.23 Malaysia thì HLV Miura đã có 7 sự thay đổi trong trận thắng chật vật 1-0 trước U.23 Lào. Đến trận gặp U.23 Đông Timor, ông thầy người Nhật tiếp tục có 5 sự thay đổi so với trận gặp U.23 Lào.
Có thể thấy, chuyện xoay đội hình theo từng trận đấu đã trở thành phong cách của HLV Miura, dù không ít lời chỉ trích cũng như phản biện trước cách làm kiểu nghịch lý này. Gần 2 năm ngồi ghế HLV trưởng ĐTVN, tham dự 4 giải đấu lớn tầm khu vực lẫn châu lục, với đa phần là những con người cũ, việc HLV Miura vẫn liên tục thử nghiệm, tìm kiếm và biến nhiều cầu thủ thành “chuột bạch” thay vì định hình một đội hình ổn định, quả là điều rất khó hiểu.
Hơn 1 tháng chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á và khi giải đấu chỉ còn đếm bằng từng ngày, với U.23 VN của HLV Miura thì tất cả đều còn bỏ ngỏ. Liệu đó có phải cách để gây bất ngờ với mục tiêu tứ kết ở bảng đấu U.23 VN yếu nhất, ít cửa nhất hay không thì hãy cứ chờ…
Và bài học từ Takashi
Nếu để tìm một HLV nào giống phong cách HLV Miura và có thể đối chiếu nhìn nhận thì đó sẽ là Takashi, vị HLV cách đây không lâu bị VFF chủ động chia tay sau 1 năm dẫn dắt ĐT nữ VN. Nguyên nhân chính là phong cách huấn luyện lẫn cách dùng người kỳ lạ, khó lý giải của chuyên gia người Nhật này.
Sau khi được VFF “chọn mặt gửi vàng”, HLV Takashi đã gần như xáo tung cả ĐTVN, với việc nhồi thể lực cho các cầu thủ nữ trước thềm AFF Cup 2015. Bước vào giải đấu, ông thầy người Nhật xoay đội hình theo từng trận đấu và xếp một số cầu thủ đá trái vị trí sở trường. Kết cục, bóng đá nữ Việt Nam đã lần đầu tiên trắng tay ở đấu trường khu vực sau gần 20 năm.
Thời điểm ấy, VFF dường như đã “hối hận” khi chọn HLV Takashi, bởi quan điểm, cách làm bóng đá của ông thầy người Nhật không phù hợp với BĐVN. Từ cách dùng người đến chiến thuật và thói quen mỗi trận sử dụng một đội hình, HLV Takashi đều mang đến sự ngạc nhiên cho các cầu thủ lẫn những người có chuyên môn ở VFF.
Đặt niềm tin vào ông thầy người Nhật và vừa ký hợp đồng nên VFF không thể hành động. Ở thế khó và không thể cũng như không dám can thiệp dù nhìn ra vấn đề, đó là lý do dẫn đến việc ĐTVN ngán ngẩm HLV Takashi và tự bảo nhau đá ở VL thứ 2 Olympic 2016 trên đất Myanmar. Trong khi đó, ông thầy người Nhật không còn cách nào khác phải xếp người theo các cầu thủ và nhờ vậy, ĐTVN lập nên kỳ tích lọt vào VL thứ 3 Olympic 2016. Thế nên ngày về nước trong vinh quang, không ai dám công khai ý kiến về câu chuyện buồn sau thành công trên đất Myanmar liên quan đến HLV Takashi, VFF “sửa sai” bằng cách âm thầm chia tay ông thầy người Nhật này.
Vấn đề và những chuyện xảy ra dưới thời HLV Takashi với bóng đá nữ Việt Nam không hoàn toàn giống các đội bóng của HLV Miura nhưng có một điểm chung. Đó là “phong cách kiểu Nhật Bản” mà ở đó, ngay trong chính đội bóng thì thầy trò cũng chơi trò “đuổi hình, bắt chữ”.
3 trận đấu ở VL U.23 châu Á và 7 trận đấu ở SEA Games 28, mỗi trận ra quân HLV Miura dùng một đội hình khác nhau. Đó là điều kỳ lạ, thuộc diện “vô tiền khoáng hậu”.