Hội đồng HLV Quốc gia chỉ là mớ bù nhìn?
Từ điệu cười “mát” của ông Hải “lơ”Ông Lê Thuỵ Hải là con người “hai trong một”. Trong cái giọng mai mỉa, gai góc của ông lúc nào cũng ẩn chứa sự sốt sắng, trăn trở về những bất cập, yếu kém của bóng đá nước nhà. Khi Thể thao 24h hỏi ông về chuyện “Hội đồng”, ngay lập tức nhận được từ ông một nụ cười nửa miệng.
Theo ông Hải, sở dĩ Hội đồng HLVQG chẳng có trọng lượng gì trong các hoạt động bóng đá nói chung, là bởi ngay từ cơ cấu tổ chức của nó đã lủng củng và thiếu thuyết phục rồi.“Chủ tịch Hội đồng thì chí ít cũng phải kinh qua cầu thủ, HLV, nếu không muốn nói phải là cầu thủ, HLV có thành tích. Thế thì ông ấy mới biết để mà nói, và nói mới có người nghe chứ”!
Bấy nay, ông Hải vẫn mặc định trong đầu rằng Hội đồng HLVQG chỉ là mớ bù nhìn, mà người giật dây chính là lãnh đạo Liên đoàn. Khi tiếng nói của Chủ tịch Hội đồng cũng là tiếng nói của Phó Chủ tịch VFF thì vai trò giám sát, đánh giá, phản biện… phỏng còn ý nghĩa gì?
Lâu dần, có lẽ các thành viên Hội đồng HLVQG cũng quên mất sự hiện diện của chính mình. Nếu không có ông Miura và những thất bại của ĐTVN, chắc gì người ta đã nhận ra rằng có một Hội đồng như thế đang tồn tại?
Đó chính là mấu chốt khiến ông Lê Thuỵ Hải bật cười khi có người ngỏ ý tiến cử ông làm Chủ tịch Hội đồng HLVQG, như một trong những phương án “chấn hưng” bóng đá Việt. Ông tự nhủ: “Có khi người ta mời mình, nhưng trong bụng người ta nghĩ rằng lão này lão ấy hay phản biện, gọi ra đấy làm cho… đỡ phản biện đi. Thế thì khác gì nghị gật?”!
Đến ý tưởng Hội đồng “cải cách”
Đả kích, châm biếm là vậy, nhưng phía sau những câu nói trào lộng, ông HLV kỳ cựu ở Hà Đông vẫn đau đáu những ý tưởng thực sự nghiêm túc để “cải cách” Hội đồng HLVQG. Ông bảo rằng các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới họ vẫn cần Hội đồng như thế, Thái Lan ngay bên cạnh ta họ cũng khủng hoảng rồi lại phát triển trở lại được là nhờ Hội đồng như thế, nên chẳng có lý do gì ta không tổ chức một Hội đồng đàng hoàng để tự cứu lấy mình.
Cái “đàng hoàng”, như tiêu chí mà ông Hải đưa ra, trước hết phải là chuyên môn vững. Chẳng có gì “chuẩn chỉ” hơn là để anh em làm nghề HLV khắp cả nước họ tự bầu Hội đồng HLVQG, sau đó thống nhất đưa lên VFF. “Hiện giờ, bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ HLV trẻ, tài năng, lại sát sao với thực tế như Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, cả Hữu Thắng nữa…, Hội đồng HLVQG mà không tận dụng được họ thì phí quá”.
Ông Hải “lơ” thừa nhận ông đã là lớp người già, cũ, nhưng “nếu được giới chuyên môn tín nhiệm, tôi sẵn sàng vào Hội đồng, không cứ là ngồi ghế Chủ tịch hay ghế thành viên, tiền ít cũng được, không có tiền cũng không sao, miễn là được hoạt động đúng chức năng của mình” – ông Hải “lơ” sốt sắng.
Và ông nhấn mạnh: “Ý tôi cần là cần được hoạt động. Hội đồng HLVQG thì phải được làm việc, được tham gia, đóng góp ý kiến, chứ không phải cứ ngồi ì ra một chỗ, người ta đưa cho cái gì thì biết cái ấy, rồi người ta quyết mọi việc mà chẳng cần quan tâm xem mình nói gì, có phản biện hay không… Tiếng nói của Hội đồng HLVQG không phải là tất cả, nhưng nó cần phải được trân trọng và tiếp thu. Được như thế thì Hội đồng mới nên tồn tại”!
Trong phạm vi một cuộc trò chuyện ngắn, ông Lê Thuỵ Hải không muốn đào quá sâu về những “đầu việc” tương lai của một Hội đồng HLVQG đúng nghĩa. Ông chỉ… nhân tiện nêu ra vài “gạch đầu dòng” đơn giản nhất mà Hội đồng ấy có thể làm, và nên làm.
“Ví dụ, lâu nay V.League cứ đá, cứ tổng kết, cứ thành công hay về đích an toàn mà chưa có ai thống kê, phân tích ra những con số cụ thể xem tại sao đội này vô địch, đội kia xuống hạng… Nếu Hội đồng HLVQG tổng kết được những con số ấy, tôi tin là sẽ có tác dụng giúp những đội yếu rút kinh nghiệm, đội khá rồi thì mạnh lên… Cứ nói chung chung thì khó, nhưng có con số, có thống kê thì sẽ rất dễ định hướng để làm theo… Từ những định hướng cho các CLB, cho giải đấu, chúng ta cũng có cơ sở để định hướng xuyên suốt cho cả nền bóng đá.
Hoặc người ta nói là ông Miura lâu nay đi các sân toàn lủi thủi một mình, tự đánh giá, tự chọn cầu thủ mà chẳng có ai đồng hành, tư vấn. Nếu Hội đồng HLVQG có những thành viên giỏi, nếu Miura biết tiếp thu, nếu VFF biết đón nhận… thì các đội tuyển không đến nỗi gọi thiếu người hay nhầm người, chọn sai lối chơi hay liên tục thay đổi lối chơi…”!
Có thể, những ý tưởng của HLV Lê Thuỵ Hải về một Hội đồng HLVQG “đổi mới” không quá đột phá hay đặc biệt, nhưng điều quan trọng là ông muốn xây dựng Hội đồng ấy bằng chuyên môn và cũng phục vụ bóng đá nước nhà ở khía cạnh chuyên môn chứ không phải vì lợi ích nào khác.