Đua thuyền truyền thống Việt Nam sớm hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 32
Trưa nay đội đua thuyền truyền thống 12 người nam nữ 500 m gồm các VĐV Bùi Thị Yến, Trần Thành Cường, Phạm Hồng Quân, Hiên Năm, Nguyễn Văn Cường, Trương Xuân Nguyên, Trần Tường Khang, Phạm Lương Tú, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thị Hương, Diệp Thị Hương, Ma Thị Thương, Hồ Thị Ne, Châu Đại Dương đã bước vào thi đấu. Tại đây, đội tuyển đua thuyền Việt Nam phải đối đầu với nhiều đối thủ mạnh đến từ Myanmar, Campuchia, Thái lan, Philippines.
Đối thủ lớn nhất của Việt Nam chính là Myanmar, từng đoạt HCV tại đấu trường lớn nhất châu lục là ASIAN Games. Có thể nói, đây là bộ môn truyền thống đã được nhiều nước trong khu vực đầu tư mạnh mẽ, có truyền thống thi đấu nhiều năm.
Ở vòng chung kết thứ nhất, tuyển Việt Nam dẫn đầu với thời gian là 2 phút 12 giây 668 trong khi đội xếp ở vị trí thứ 2 là Myanmar với thành tích là 2 phút 14 giây 462. Kịch tính được đẩy lên ở vòng chung kết thứ 2 khi đội Myanmar nỗ lực lấy lại lợi thế. Kết quả ở vòng đấu này, Myanmar dẫn đầu với thành tích 2 phút 12 giây 654 trong khi đội tuyển Việt Nam về đích với thành tích 2 phút 13 giây 824.
Tổng thời gian cả 2 lượt đua chung kết, tuyển Đua thuyền truyền thống Việt Nam đạt thành tích 4 phút 26 giây 492 giây và giành HCV, trong khi Myanmar đoạt HCB khi về đích ở mốc 4 phút 28 giây 116 giây, nước chủ nhà Campuchia giành HCĐ với thành tích 4 phút 32 giây 509.
Trước đó, tại nội dung thuyền 3 nữ, các VĐV Bùi Thị Yến, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Hồng Thái, Hồ Thị Ne, Ma Thị Thương, Diệp Thị Hương cũng đã xuất sắc giành HCV. Đây là nội dung thế mạnh, có truyền thống lâu đời của Campuchia. Tuy nhiên các tay chèo Việt Nam đã xuất sắc vượt qua đối thủ với thành tích là 2 phút 49 giây 560. Campuchia giành HCB với thành tích 2 phút 49 giây 636. Malaysia đoạt HCĐ với thành tích 4 phút 26 giây 028.
Theo bà Dương Thị Hồng Hạnh, phụ trách môn Đua thuyền Tổng cục TDTT, SEA Games năm nay không có 2 nội dung thế mạnh của Việt Nam là Canoeing và Rowing nên bộ môn và Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam cùng ban huấn luyện đã phân tích kỹ xem kỹ thuật chèo và luật thi đấu của môn thi đấu mới lạ này nhằm chuẩn bị lực lượng.
Do các kỹ thuật chèo của đua thuyền truyền thống Campuchia khá tương đồng với môn Canoeing, chỉ khác là cách ngồi trên thuyền nên các VĐV của đội tuyển Canoeing được tuyển chọn để sang tập luyện môn Đua thuyền truyền thống. Tuy nhiên chúng ta gặp khó khăn vì không có thuyền để tập cho nội dung 3 nữ.
Đây là thế mạnh truyền thống của Campuchia và chúng ta không có thuyền tương tự để tập. Sau khi tìm hiểu, ban huấn luyện đội tuyển đã thấy những điểm tương đồng của thuyền C2 môn Canoeing và môn thuyền truyền thống. Sáng tạo này đã giúp cho các VĐV của chúng ta có được thuyền để tập cho nội dung này tại SEA Games 32.
Nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32, đội tuyển Đua thuyền truyền thống Việt Nam gồm các VĐV thuộc 3 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã tập trung tập luyện tại Trung tâm Đua thuyền Hải Phòng. Đây cũng là thời gian mà ban huấn luyện và các chuyên gia phân tích, đánh giá lực lượng để tìm ra chiến thuật phù hợp. Kết quả này cũng cho thấy sự thích ứng linh hoạt của Đua thuyền Việt Nam tại đấu trường lớn nhất khu vực.