“1 HCV là kết quả không chấp nhận nổi”
(thethao24.tv)- “ASIAD chỉ có 1 HCV là điều không chấp nhận nổi nhưng có khi lại là điều may với TTVN. Thực tế phũ phàng có thể khiến ngành thể thao nghiêm túc xem lại mình và may ra còn có cơ đối mới. Chứ nếu có thêm 1 HCV nữa, tất cả lại vỗ tay hoan hô như một chiến thắng thì…”. GSTS Dương Nghiệp Chí- Nguyên Tổng cục phó Tổng cục TDTT chia sẻ.
>>> Hạnh phúc là được sẻ chia sẻ
>>> U19 Việt Nam 1-3 U19 Nhật Bản: Nỗ lực đáng khen
>>> Video góc nhìn hoàn toàn khác về U19 Việt Nam
Làm Trưởng đoàn của kỳ ASIAD tái hội nhập đặc biệt năm 1990, lại kinh qua nhiều vị trí trong nửa thế kỷ gắn bó nên chuyên gia đầu ngành này hiểu rõ TTVN đang ở đâu. Theo GSTS Dương Nghiệp Chí- Nguyên Tổng cục phó Tổng cục TDTT, việc TTVN chỉ đoạt 1 HCV ở kỳ ASIAD 17 là không thể chấp nhận được, bộc lộ hàng loạt điểm yếu chí tử của cả một nền thể thao đang chạm trần và tụt hậu.
Quá tệ khi chỉ đoạt 1 HCV
– Thể thao 24h: Ông có cho rằng TTVN đã thất bại ở Đại hội rồi khi đoạt duy nhất 1 HCV, đứng thứ 21 châu lục và hạng 6 khu vực?
– GSTS Dương Nghiệp Chí: Tôi cho rằng nếu nhìn toàn diện, nói TTVN thất bại tại ASIAD có phần hơi nặng. Nhưng quả thật, việc chỉ có 1 HCV, với thứ hạng châu lục và khu vực như vậy là không thể chấp nhận được. Nó đã không đáp ứng được đòi hỏi chính đáng của đất nước, người dân, của sự phát triển nói chung, cũng như tiềm năng và điều kiện của chính TTVN.
– Theo ông, thành tích và thứ hạng của Việt Nam đáng ra phải như thế nào mới hợp lý?
– Quan điểm của cá nhân tôi, nền thể thao của chúng ta phải và hoàn toàn có thể có được một vị thế xứng đáng ở tầm châu lục, tối thiểu cũng phải nằm trong Top 15 như mục tiêu trong chiến lược TDTT đến 2020 mà Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể hơn, số HCV chí ít cũng phải vượt mức 5 chiếc, giành được một cách ổn định vững chắc. Tuy nhiên trên thực tế với những gì thể hiện, kết quả chỉ đoạt 1 HCV ASIAD hay “trắng tay” ở Olympic chẳng có gì bất ngờ.
Hậu quả của thời gian dài lệch hướng
– Có nghĩa là, kết quả yếu kém hiện tại là do ngành thể thao đang lệch hướng?
– Hiện tại đã khác rất nhiều với những chuyển biến tích cực, song có thể thấy một thời gian rất dài chúng ta đã lệch hướng, giờ vẫn đang phải chịu hậu quả. Như tôi đã nhiều lần phát biểu, TTVN đã chạm “trần” từ SEA Games 2003 lên ngôi nhất trên sân nhà, thay vì phải thay đổi chiến lược lấy trình độ châu lục làm đích chính thì lại quá mải mê với sân chơi khu vực mà nói thẳng gần như không có tính liên thông gì với các đấu trường tầm cao. Cái thua ở ASIAD hay Olympic suy cho cùng cũng bởi ngành thể thao đã chuẩn bị đúng theo kiểu cách cho SEA Games- ngắn hạn năm một và dàn trải. Nếu như chúng ta làm thật chứ không chỉ nêu khẩu hiệu “vươn lên tầm châu lục, tấn công vào Olympic” cho có, chí ít về thành tích, chắc chắn giờ Việt Nam có thể chưa so được Thái Lan cũng đã không hề kém những Malaysia, Indonesia, Singapore.
– Tại sao lại là “chí ít về thành tích”, thưa ông?
– Vì theo tôi, dù kể cả có vượt được những đoàn kể trên về thành tích, thứ hạng tại một cuộc đấu cụ thể, chúng ta hãy còn kém xa họ về nền tảng thực chất. Từ thể thao phong trào, thể thao trường học, kinh tế thể thao, cơ sở vật chất, chất lượng nhân lực cho đến quan hệ quốc tế, khả năng áp dụng khoa học công nghệ…. Riêng với Thái Lan, TTVN phải đi sau họ cỡ 20 năm, và chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy khoảng cách được rút ngắn.
Phải tư duy hoàn toàn khác
– Như phân tích của ông, có vẻ như rất đáng nản và một tương lai u tối khi nhìn về TTVN?
– Không phải đáng nản mà thực sự đáng lo. Chúng tôi rất sốt ruột vì các điểm yếu chí tử như thế của TTVN đã tồn tại rất lâu mà chưa có giải pháp đột phá. Ngay cả mảng thành tích cao, dù ngành thể thao đang nỗ lực đổi mới nhưng hãy còn quá chậm. Và cứ duy trì tốc độ như hiện tại, chúng ta ngày càng tụt hậu, nhất là trong bối cảnh thể thao quốc tế đang thay đổi chóng mặt.
– Đâu là “đột phá khẩu” cho TTVN, thưa ông?
– Tôi xin nhắc lại, chúng ta phải làm lại và làm khác hẳn, gắn với một tư duy hoàn toàn mới, chứ nếu cứ chỉ chăm chăm vào một số chuyển biến tích cực thì vẫn không ăn thua gì. Về lâu dài, ngành thể thao phải giải cho được bài toán thể thao học đường và kinh tế thể thao làm gốc rễ. Nếu quyết tâm và kiên trì làm, theo tôi, trong khoảng 10 năm sẽ đat hiệu quả tổng thể rõ rệt. Còn trước mắt, TTVN phải xác định dốc hết tâm sức, nguồn lực cho mục tiêu châu lục, với trọng tâm là các môn cơ bản, đại chúng. Chúng ta phải tạo ra sự khác biệt hẳn cho 10 môn trọng điểm nhóm 1, trong đó hình thành bằng được một vài nội dung, môn “mũi nhọn tập trung” đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Cũng xin nói thêm, ở góc độ của tôi, việc ASIAD đoạt vỏn vẹn 1 HCV có khi lại là điều may, có thể nhìn lại nền thể thao nghiêm túc, may ra còn có cơ đối mới. Chứ nếu có thêm 1 HCV nữa, cả ngành lại vỗ tay hoan hô như một chiến thắng trong khi đâu có gì khác.
– Xin cảm ơn!
Hà Thảo (thực hiện)