Bóng gỗ Việt Nam: Trăn trở sau những tấm HCV tại ABG5

thứ năm 29-9-2016 22:51:44 +07:00 0 bình luận
Không đặt chỉ tiêu cao tại Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần này (ABG5) nhưng bóng gỗ đã mang về 2 tấm HCV cho TTVN.

Không đặt chỉ tiêu cao tại Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần này (ABG5) nhưng bóng gỗ đã mang về 2 tấm HCV cho TTVN.

Tại ABG 5, bóng gỗ chính là môn thể thao đem về tấm HCV đầu tiên cho Việt Nam. Dù chưa kết thúc nhưng có thể nói đội tuyển bóng gỗ đã có giải đấu thành công khi giành được 2 tấm HCV cho đến thời điểm này ở nội dung fairway đơn và đồng đội nữ.

Là môn thể thao mới mẻ và cũng mới du nhập vào Việt Nam từ năm 2009 song bóng gỗ đã mang lại một số thành tích trên trường quốc tế với những tấm HCV châu lục và thế giới của Phan Thị Phượng hay Nguyễn Huyền Trang - một trong 5 người rước đuốc ở lễ khai mạc.


Cầu môn trong bóng gỗ cao và rộng 15cm. Sân chơi trên cỏ hoặc trên cát, được chia làm nhiều đường đánh (ở ABG là 6 đường đánh). VĐV nào có ít số gậy nhất sẽ giành chiến thắng

Bóng gỗ ra đời vào năm 1990. Cha đẻ của bóng gỗ là ông Ming – Hui Weng người Đài Bắc Trung Hoa. Ông Weng là người chơi golf nhưng cảm thấy chi phí thi đấu môn này khá đắt đỏ, vì vậy mà ông đã tìm cách sáng tạo ra môn chơi mới – môn bóng gỗ - tương tự, bình dân hơn. Ông Weng hiện cũng là Chủ tịch Liên đoàn Bóng gỗ thế giới.


Có nhiều loại gậy khác nhau, phụ thuộc vào chiều cao của người chơi. Khác golf có tới 14 gậy, VĐV bóng gỗ chỉ cần dùng 1 gậy duy nhất khi thi đấu

Việc lựa chọn "khung thành" (hay còn gọi là cầu môn) thay vì lỗ để tính điểm nhằm mục đích tránh tình trạng đọng nước trong lỗ. Ngoài ra, ông Weng cũng thay lưới bằng khúc gỗ giống hình cái ly ngược được treo ở giữa gôn. Khi ăn điểm, khúc gỗ ở giữa gôn sẽ lật ngược, giống như biểu hiện của sự chúc mừng.


Trọng tài chuẩn bị sân bãi cho buổi thi đấu, trong đó có việc đóng "khung thành" xuống cát

Đầu đánh của gậy được gọi là đầu vồ, giống hình chai bia của Đài Bắc Trung Hoa. Đầu to được dùng để đánh bóng ở khoảng cách xa, đầu nhỏ để xử lý những tình huống ở gần cầu môn.


Khi bóng ra ngoài, trọng tài sẽ dùng thước đo để đặt bóng lại vào trong sân. Cứ mỗi cú đánh ra ngoài bị cộng thêm 1 gậy

Những lá cờ màu đỏ nhằm giúp VĐV ngắm được vị trí đánh bóng tốt

Ở môn bóng gỗ bãi biển, các VĐV không được mặc quần dài (được đi tất dài), phải mặc áo có cổ và không được đi giầy

Đôi dép chuyên dụng của các VĐV thi đấu bóng gỗ, giúp họ di chuyển dễ dàng và đứng chắc chân hơn.

Phan Thị Phượng – VĐV giành HCV đầu tiên cho Việt Nam tại ABG5 – chia sẻ: “Bóng gỗ cần nhiều thể lực, kỹ thuật phức tạp mà cần nhiều sự khéo léo từ đôi tay. Đó là những yếu tố rất phù hợp với tố chất của người Việt Nam”.

Tuy nhiên, việc phát triển bóng gỗ ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cựu Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội Hà Khả Luân – người đầu tiên mang bóng gỗ về Việt Nam – trăn trở: "Đây là bộ mới, chỉ có riêng Hà Nội làm. Tôi đi nhiều nơi để phát triển trong 6 năm nay nhưng mới chỉ có Trung tâm huấn luyện thi đấu thể thao Đồng Nai và Trường ĐH TDTT TP.HCM làm. Còn lại là những CLB nhỏ lẻ, phong trào".

Trong đội hình tuyển bóng gỗ hiện tại, phần lớn các tuyển thủ ở những bộ môn khác chuyển sang như cử tạ, bóng ném, vovinam và chủ yếu là điền kinh. 

"Bên cạnh khó khăn trong tuyển chọn VĐV, chúng tôi còn lo lắng việc giữ quân. Nhiều em đạt thành tích thế giới và châu lục nhưng gia đình không cho tập nữa. Như ở ABG lần này, chúng tôi mất đến 6 VĐV. Cả đội tuyển lần này chỉ có 12 người, gần ít nhất giải trong khi đáng lý nước chủ nhà phải đông nhất".


Ông Hà Khả Luân cùng Phan Thị Phượng (HCV) và Nguyễn Huyền Trang (HCB) tại ABG 5

Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của ban huấn luyện và VĐV mà bóng gỗ cũng đã có được những thành công nhất định. Với những thành tích đã đạt được, ông Luân hy vọng: "Bóng gỗ là môn dễ chơi, không đòi hỏi thể trạng to khỏe mà cần sự khéo léo và thông minh khi xử lý tình huống trên sân".

"Tôi từng đánh khăng, chơi bi, chơi quay rất khéo. Nói thế để thấy rằng người Việt Nam có nhiều yếu tố từ bé mà rất phù hợp với môn bóng gỗ. Tôi mong các tỉnh khác cùng Hà Nội phát triển môn thể thao này để Việt Nam có vị trí xứng đáng ở sân chơi thế giới và châu Á".

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội