Ánh Viên đoạt 16 HCV giải VĐQG 2015: Một mình “chấp” 22 tỉnh, thành, ngành
Ánh Viên 16 HCV, TP.HCM chỉ có 14
Ánh Viên lại vừa tạo ra một hiện tượng độc nhất vô nhị không chỉ của môn bơi mà cả TTVN. Nói cách khác, chỉ có một gương mặt kỳ tài như tuyển thủ 19 tuổi quê Cần Thơ gắn với đặc thù của riêng môn bơi mới làm nên một siêu kỷ lục: Giành 20 huy chương tại một giải VĐQG, trong đó có 16 HCV và 4 HCB. Càng đáng kinh ngạc hơn vì Viên đã vươn tới thành quả phi thường một cách hết sức nhẹ nhàng khi chưa thể hiện hết sức.
Nhìn nhận thẳng thắn, nếu muốn, Viên đã hoàn toàn có thể đoạt thêm 3 HCV nữa đã mất vào tay 2 “đàn em” Ngọc Quỳnh và Phương Trâm để nâng kỳ tích lên 19 HCV. Viên chỉ thực sự chịu thua ở nội dung tiếp sức 4x200m, do không thể gồng gánh được 3 đồng đội quá non.
Với 16 HCV, Ánh Viên đã một mình lật đổ ngôi Nhất toàn đoàn của trung tâm số 1 TP.HCM, thậm chí còn hơn tới 2 lần đăng quang. Nếu không tính TP.HCM, chị cũng bỏ xa thành tích 10 HCV mà 22 tỉnh, thành, ngành khác cộng lại.
Do mọi người đều luôn đặt ở Viên một sự kỳ vọng quá lớn và lấy đích quốc tế làm chuẩn, nên kỳ tích của chị ở sân chơi quốc nội lần này có thể bị đánh giá thua thiệt. Cũng khó có thể khác, bởi Viên quá xuất sắc, quá vượt trội so với làng bơi Việt Nam.
“Cày” huy chương: Bình thường hay bất thường?
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, màn trình diễn tại giải VĐQG tiếp tục cho thấy sự suy giảm về thể lực, sa sút về phong độ của Ánh Viên, gắn với câu chuyện “cày” huy chương tối đa có thể. Nó đã được minh chứng không chỉ ở các thông số của Viên đều kém xa mức tốt nhất của mình, mà còn ở thất bại trực tiếp ở 3 cự ly ngắn trước Ngọc Quỳnh và Phương Trâm.
Quan trọng hơn chính là việc Viên không nên, không cần, thậm chí phần nào đó không được dự tranh những cuộc đấu kiểu như giải VĐQG, nhất là trong tình trạng bản thân cũng đang “quá tải” và còn rất nhiều mục tiêu tập huấn, thi đấu lớn hơn ở phía trước. Đó mới là điều giới chuyên môn cùng NHM đặt ra, chứ không phải thực tế Viên đạt thông số chuyên môn thấp tại giải.
Cũng không thể lấy chuyện mỗi một giải đấu với Viên giống một buổi tập luyện, hay làm nóng để phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực đến thể lực, phong độ, kế hoạch của Viên. Chỉ riêng các chuyến di chuyển liên tục trong thời gian ngắn vừa qua cũng đủ biết Viên đã phải “hành xác” như thế nào.
Có vẻ như các nhà quản lý, huấn luyện của Ánh Viên đang quá tự tin vào cách làm, cũng như chính cô học trò, sau những bước thăng tiến thần kỳ và khả năng vượt lên, thích ứng rất đặc biệt của kình ngư này.
Đến giờ, mọi người cũng chỉ biết tin tưởng và mong muốn Ánh Viên sẽ không “hề hấn” gì qua 1 năm huy hoàng mà cũng gian khó nhất trong sự nghiệp, kết thúc với kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại giải VĐQG.
Và kết quả tại Olympic 2016 - đấu trường chỉ còn đúng 10 tháng nữa sẽ diễn ra, nơi Ánh Viên vẫn chưa lọt vào tới Top 8 ở bất cứ nội dung nào - sẽ là câu trả lời chính xác nhất.
Bộ sưu tập 16 HCV (15 nội dung cá nhân, 1 nội dung tiếp sức), 4 HCB của Ánh Viên tại giải VĐQG 2015 thực sự đã quá “khủng” song vẫn còn thua chiến tích 18 HCV (17 cá nhân, 1 tiếp sức) của chính mình ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Khi đó, thậm chí Viên đã đoạt trọn vẹn cả 17 HCV cá nhân.
"Tôi xin nói rằng, Ánh Viên đã đạt tới 2 “đỉnh cao” trong năm là SEA Games 28 với 8 HCV, 8 kỷ lục Đại hội và lọt vào tới Top 10 giải VĐTG. Không thể đòi hỏi Viên lúc nào cũng đạt phong độ cao, thông số thành tích giải sau cao hơn giải trước, vì nếu như thế, em đã vô địch thế giới rồi. Trong quy trình đào tạo của một kình ngư, có nhiều chu kỳ, phương pháp, mục đích khác nhau, mà việc dự tranh những cuộc đấu như giải VĐQG cũng chính là việc tập luyện, nâng cao hay bổ khuyết trình độ chuyên môn bằng việc thi đấu cọ xát. Tôi xin khẳng định Ánh Viên sẽ đạt tới trạng thái sung sung nhất tại Olympic 2016”.
HLV Đặng Anh Tuấn
"Các nhà quản lý huấn luyện có những cái lý của mình trong việc đưa Ánh Viên tham dự rất nhiều giải khác nhau, với mật độ có thể nói là tăng đột biến kể từ sau SEA Games 28. Thế nhưng, theo cá nhân tôi, Ánh Viên không nên dự những cuộc đấu như giải VĐQG, hay kể cả giải trẻ châu Á. Như tôi đã từng đề cập, Ánh Viên đang ở trong thời kỳ phải tích lũy và tăng tốc đặc biệt để tạo ra một cuộc “vượt ngưỡng” mới. Không thể nói chị không ảnh hưởng gì về thể lực hay kế hoạch với những chuyến di chuyển thi đấu theo kiểu như thế. Đúng là tuần nào ở Mỹ, Viên cũng phải thi đấu và việc cọ xát cũng là một phương thức luyện tập, song đâu có nghĩa nhất thiết phải dự các cuộc đấu như giải VĐQG 2015”.
Chuyên gia Ngô Chí Thành (Nguyên Trưởng bộ môn Thể thao Dưới nước, HLV trưởng ĐTQG)