Bi hài chuyện nhân sự các LĐ TTGQ: Khi các ông Tổng thư ký “việt vị”
Một mình “ôm” không sao…
Nếp lâu nay là chức danh Tổng thư ký các Liên đoàn – Hiệp hội thể thao mặc định do cán bộ của ngành, hầu hết là lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao hay Trưởng bộ môn kiêm nhiệm. Kiểu kiêm nhiệm này xét ở mặt nào đó có cái lợi, chí ít cho việc quản lý của ngành thể thao, rất tập trung và… an toàn.
Tất nhiên mặt trái của nó lớn hơn nhiều khi Liên đoàn chỉ có thể đóng vai “cánh tay nối dài” mờ nhạt, thụ động. Đơn giản, cơ quan quản lý Nhà nước về thể thao đã quyết định và làm thay. Việc duy nhất mà ông Tổng thư ký là người của ngành thực hiện thêm bên Liên đoàn chỉ là ký duyệt các thủ tục liên quan đến tổ chức giải, phong đẳng cấp VĐV, hiệp y danh sách ĐTQG. Thậm chí, tiền niên liễm quốc tế của Liên đoàn thường cũng được đóng hộ.
Các ông Tổng – có lẽ chỉ ngoại trừ vài môn Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông – đều hiểu rằng mình sẽ gần như không làm được gì nếu không là người của ngành. Và khi ấy, họ nói và làm thực chất đều với tư cách lãnh đạo Vụ, Trưởng bộ môn, còn Tổng thư ký chỉ gọi là có thêm cái danh. Và mọi chuyện đều được giải quyết dễ dàng gắn với xuất phát điểm “tuy 2 mà 1”.
… Nhưng phân thành 2 là “có chuyện”
Hiện trạng chung lâu nay là lãnh đạo Vụ hay Trưởng bộ môn kiêm luôn Tổng thư ký. Thế nhưng, thực tế cũng dẫn tới những tình thế mà ngành thể thao không thể quản và lường hết. Rõ nhất với trường hợp một số Tổng thư ký vốn là người của ngành nghỉ hưu. Khi vị Tổng thư ký không còn làm đầu mối “2 trong 1” sẽ phải đối mặt với một thực tế phũ phàng của một Liên đoàn không trụ sở, thiếu kinh phí, lác đác nhân viên. Khi đó, việc của môn do người khác, thường là vị Trưởng bộ môn mới của ngành thể thao, “ôm” hết.
Những khúc mắc từ đó bắt đầu nảy sinh. Các vị Tổng thư ký hưu trí gần như rơi vào tình trạng “việt vị” cho đến hết nhiệm kỳ, đồng nghĩa với thực tế cả Liên đoàn cũng buông xuôi. Và nếu bản thân Liên đoàn, cá nhân ông Tổng có chút quyền lực hay quan hệ lại chuyển sang thái cực khác trong mối quan hệ với ngành thể thao: Nhẹ thì trục trặc trong phối hợp, nặng thì đối đầu.
Có thể thấy rõ điều đó ở các Liên đoàn Xe đạp, Quần vợt, Cờ vua và rõ nhất với Bóng rổ. Cả chục năm nay, kể từ khi ông Trưởng bộ môn kiêm Tổng thư ký nghỉ hưu, môn này rối beng. Giữa Liên đoàn với Bộ môn (thuộc Tổng cục TDTT) bất hợp tác hoàn toàn. Đến mức ông Tổng từng tuyên bố không làm việc với ông Trưởng bộ môn Bóng rổ – Bóng ném mà theo ông là không đủ trình độ và tâm huyết để làm bóng rổ. Còn ông Trưởng bộ môn vốn gốc dân Bóng ném lại bị đánh giá quá thiên vị môn “ruột” của mình.
Thành ra, bên nào chỉ biết việc của bên ấy, các chuyện lớn nhỏ – từ kế hoạch phát triển đến tuyển chọn thành phần ĐTQG hay tổ chức giải đấu – thường xuyên “có chuyện”.
Suy cho cùng, cả Bộ môn và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đang cùng “góp phần” khiến môn Olympic, có phong trào nở rộ bậc nhất này “chết chìm”.
Sỹ Minh
Khi mô hình nhân sự Liên đoàn “2 trong 1” được chuyển thành 2 tưởng tốt hóa ra lại dẫn đến những rối rắm và hệ quả tiêu cực. Nó cũng phơi bày thảm cảnh của các Liên đoàn trong mối quan hệ với ngành thể thao. Liên đoàn yếu kém, bị động, phụ thuộc đến nỗi ông Tổng thư ký của mình rời cơ quan Nhà nước ra không thể làm gì. Còn cơ quan quản lý Nhà nước ôm đồm, lấn sân tới mức chỉ một ông Trưởng bộ môn coi như đã đủ cho phong trào của cả môn đó.
Thêm 2 ông Tổng thư ký là người của ngành về hưu
Mới đây, có thêm 2 lãnh đạo Vụ và Trưởng bộ môn đang kiêm nhiệm Tổng thư ký Liên đoàn nghỉ hưu để gia nhập đội hình các Tổng thư ký hưu trí vốn chiếm số lượng rất đông. Đó là Vụ phó Vụ Thể thao Thành tích cao Phạm Đức Thành (Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam) và Trưởng bộ môn Bắn súng Nguyễn Đức Uýnh (Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam).
“Bóng rổ không chết song sẽ mãi khốn khổ, tụt hậu trong cách thức nhìn nhận, quản lý, đầu tư cho có như hiện tại. Từng là Trưởng bộ môn kiêm Tổng thư ký song phải đến khi chỉ còn làm bên Liên đoàn tôi mới thấu hiểu nỗi khổ, khó khăn của Liên đoàn và cá nhân ông Tổng thư ký. Như Liên đoàn của chúng tôi, do phần nào đó tự chủ được nên còn có tiếng nói hay hoạt động nhất định, còn nhiều Liên đoàn khác thực sự không thể làm gì” – Nguyễn Quốc Quân, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam.