Bối cảnh xã hội và hành xử của cầu thủ trên sân bóng: Đời càng loạn, lỗi càng nhiều

thứ ba 16-12-2014 19:00:25 +07:00 0 bình luận
(Thethao24.tv) –Thế giới bóng đá đang trở nên phẳng hơn bao giờ hết và các cầu thủ có thể đến từ khắp

(Thethao24.tv) –Thế giới bóng đá đang trở nên phẳng hơn bao giờ hết và các cầu thủ có thể đến từ khắp mọi nơi, từ các nước phát triển ở Tây Âu cho đến những quốc gia đang chìm trong nghèo khó và xung đột ở Balkan, châu Phi hay Nam Mỹ. Vậy thì hoàn cảnh xuất thân của một cầu thủ có ảnh hưởng đến cách thức cư xử của anh ta trên sân hay không? Câu trả lời xem ra là “Có”.


Điểm sáng Bắc Âu
Vòng đấu bảng Champions League 2014/15 đã kết thúc. Với một số đội bóng như Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich hay Chelsea thì đó chỉ là bước đầu tiên trong hành trình chinh phục ngai vàng châu Âu. Nhưng với những Malmo hay BATE Borisov, mùa giải của họ cũng đã chính thức  khép lại sau khi trái bóng Adidas Finale 14 tạm ngừng lăn.
Giống như nhiều giải đấu khác ở Bắc Âu, giải VĐQG Thụy Điển hay Belarus đều đã chấm dứt vào đầu tháng 11 và các cầu thủ ở đây sẽ có một kỳ nghỉ dài 3 tháng trước khi trở lại với guồng quay thi đấu vào tháng 3 năm sau. Tuy nhiên lịch thi đấu chưa phải là điểm đặc biệt duy nhất của các giải VĐQG Bắc Âu. Các đội bóng đến từ Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland… có thể không giành được thành tích cao ở Champions League hay Europa League, nhưng trên phương diện chơi đẹp thì sự vượt trội của họ là không cần phải bàn cãi.
Chẳng nói đâu xa, trong bảng xếp hạng Fair Play mùa giải 2012/13 của UEFA, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan chia nhau 3 vị trí dẫn đầu với số điểm lần lượt là 8.299, 8.288 và 8.227, bỏ khá xa các giải đấu xếp sau. Bước sang mùa giải 2013/14, cục diện ở nhóm đầu có xáo trộn đôi chút nhưng tốp 3 vẫn nằm gọn trong bán đảo Scandinavia (thứ tự là Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan). Nhìn rộng ra, đã 6 năm liên tiếp giải thưởng Fair Play của UEFA rơi vào tay những đại diện Bắc Âu, và nếu tính xa hơn nữa thì suốt từ năm 2000 đến nay cũng chỉ có 2 lần mà các giải VĐQG Bắc Âu không giành danh hiệu giải đấu chơi đẹp nhất. Có khi nào đó là một hiện tượng ngẫu nhiên?
Ít Latin
Câu trả lời đương nhiên là “Không”. Mọi thứ đều có lý do của nó và không phải tự dưng mà các giải đấu ở khu vực Bắc Âu lại có số lượng thẻ phạt ít hơn hẳn so với phần còn lại của làng túc cầu lục địa già. Giả sử rằng các trọng tài điều khiển trận đấu một cách công minh (một giả thiết hoàn toàn có thể chấp nhận được) thì số thẻ phạt chỉ phụ thuộc vào hành xử của các cầu thủ trên sân, và đến lượt mình thì tác phong hành xử của các cầu thủ lại chịu tác động bởi cá tính cũng như hoàn cảnh sống của họ. Sở dĩ các giải VĐQG Bắc Âu được xếp vào hàng chơi đẹp bậc nhất thế giới là vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, họ ít sử dụng các cầu thủ Latin (Nam Âu, Nam Mỹ) – những người có xu hướng ăn vạ cũng như phạm lỗi nhiều hơn so với các cầu thủ Bắc Âu. Thứ hai, bản thân các cầu thủ Bắc Âu – lực lượng lao động chính ở giải VĐQG Na Uy, Phần Lan hay Thuỵ Điển – cũng ít phạm lỗi hơn so với phần còn lại của thế giới bóng đá.
Hãy bắt đầu với nguyên nhân đầu tiên. Trong một công trình nghiên cứu được xuất bản hồi tháng 9/2012, giáo sư Jeroen Schokkaert (ĐH Leuven, Bỉ) đã thu thập số liệu về số lượng thẻ phạt ở Premier League trong giai đoạn từ 1996-2010, sau đó ông phân bổ số thẻ phạt này theo từng nhóm quốc tịch. Kết quả là các cầu thủ đến từ Nam Âu phải nhận thẻ nhiều hơn tới 30% so với những đồng nghiệp Bắc Âu. Cũng trong một nghiên cứu có chủ đề gần tương tự, tiến sĩ Dan Brown (ĐH Harvard, Mỹ) đã so sánh tương quan giữa kỹ năng chơi bóng của các cầu thủ ở Premier League (được thể hiện qua những yếu tố như số đường chuyền thành công, số lần qua người, tốc độ chạy nước rút….) với số lần mà họ bị phạm lỗi trong quãng thời gian từ 2006-2012. Ngay cả khi đã tính đến sự khác biệt về kỹ năng chơi bóng (những cầu thủ khéo léo, nhanh nhẹn thường bị đối phương “chăm sóc” kỹ và thường bị phạm lỗi nhiều hơn), số quả phạt mà các cầu thủ Latin kiếm được vẫn nhiều hơn 20% so với mức trung bình của giải đấu, cũng có nghĩa là họ ăn vạ nhiều hơn.
Do những yếu tố đặc thù về thời tiết (khí hậu lạnh giá), lịch thi đấu (mùa giải kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11 hằng năm) hay ngôn ngữ, văn hoá… nên số lượng cầu thủ Latin đến Bắc Âu chơi bóng là tương đối ít. Đơn cử, trong lịch sử gần 80 năm tồn tại của giải VĐQG Na Uy thì mới có vỏn vẹn… 4 cầu thủ Argentina, 2 cầu thủ Italia và 3 cầu thủ TBN tham gia tranh tài. Brazil có nhiều đại diện hơn một chút (21 người), nhưng chừng ấy vẫn là một con số quá nhỏ so với quy mô xuất khẩu cầu thủ của xứ sở Samba và không có gì khó hiểu khi các trọng tài ở Bắc Âu không phải dùng đến nhiều thẻ phạt.
Nhiều hàng nội
Tiếp theo, tỷ lệ nội binh ở các CLB Bắc Âu là tương đối lớn, hoặc nếu có sử dụng “hàng ngoại” thì họ cũng ưu tiên chiêu mộ các cầu thủ ở những nước láng giềng (để họ đỡ mất thời gian hoà nhập), vốn đều có trình độ phát triển cao. Edward Miguel (giáo sư ĐH California kiêm uỷ viên Cơ quan nghiên cứu kinh tế Mỹ) và các cộng sự đã phân tích tác phong hành xử của các cầu thủ bóng đá trên sân với đến bối cảnh xã hội ở đất nước nơi họ sinh ra.
Dựa trên dữ liệu về các trận đấu ở 5 giải VĐQG lớn cũng như Champions League trong giai đoạn 2004-2013, giáo sư Miguel đã kết luận rằng các cầu thủ Colombia, Israel, Bosnia & Herzegovina, Slovenia, Senegal, Iran… thuộc nhóm chơi rắn nhất, còn các cầu thủ mang quốc tịch Nhật Bản, Na Uy, Canada, Mỹ… nằm trong nhóm đá “sạch” nhất. Vậy đâu là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa hai nhóm cầu thủ vừa nêu?
Rất đơn giản, nhóm các nước đầu tiên (đặc biệt là Colombia và Israel, các quốc gia đã liên tục phải chứng kiến cảnh nội chiến suốt từ thập niên 1980 đến nay) đều đã xảy ra xung đột bạo lực ở các mức độ khác nhau, trong khi “chiến tranh” (ít nhất là tại bản thổ) là khái niệm rất xa vời với nhóm các nước sau. Tóm lại, mức độ bạo lực tại quê nhà của một cầu thủ càng cao thì anh ta sẽ càng có xu hướng chơi thô bạo trên sân bóng. Và các quốc gia Bắc Âu lại thuộc hàng thanh bình bậc nhất thế giới, nên chẳng có lý do gì mà cầu thủ của họ lại phải nhận nhiều thẻ phạt…

KHÁNH AN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội