Bơi Việt Nam: Phía sau hào quang choáng ngợp
Trung bình yếu nếu không có Ánh Viên
Đúng như khẳng định của chính các nhà quản lý huấn luyện môn này, bơi Việt Nam đã quá may mắn vì sở hữu một “báu vật quốc gia” Nguyễn Thị Ánh Viên.
Đẳng cấp của kình ngư 19 tuổi này là sự hội tụ đỉnh cao của một tài năng xuất chúng, được kịp thời đặt vào một môi trường phát triển lý tưởng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận Viên đã vượt qua mọi chuẩn mực của TTVN, mà có thể vài chục năm mới xuất hiện một gương mặt quá đặc biệt như thế. Có nghĩa là dù bơi Việt Nam thực sự có bước tiến ngoạn mục từ nền tảng, cũng quá khó để tạo ra một trường hợp ngoại lệ như thế.
Nhìn nhận một cách thắng thẳn, nếu không có Ánh Viên, bơi Việt Nam vẫn chỉ thuộc diện trung bình yếu ngay ở SEA Games 28. Đơn giản với 2 HCV của Quý Phước, Quang Nhật, cùng tổng số lượng huy chương khiêm tốn, Việt Nam sẽ chỉ ngang với Thái Lan, thua cả Indonesia chứ chưa nói đến Singapore. Tất nhiên đó chỉ là một cách đặt vấn đề song phản ánh thực tế bơi Việt Nam đang có lực lượng mũi nhọn quá mỏng, đến mức gần như chỉ có mỗi Ánh Viên.
Ánh Viên cũng… chưa là gì
Với riêng đấu trường SEA Games, có lẽ hiện tượng Ánh Viên chưa từng có và sẽ không bao giờ có thể lặp lại, bởi sự hội tụ của quá nhiều yếu tố. Ngay mặt chuyên môn, kỳ tích 8 HCV và đáng nói hơn 8 kỷ lục cá nhân của chị sẽ tồn tại sừng sững như một đỉnh núi.
Song chỉ cần nhìn lên tầm châu Á và thế giới cũng có thể thấy ngay tài năng xuất chúng của bơi Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng… chưa là gì. Tuyển thủ quê Cần Thơ mới chỉ có 5-6 nội dung lọt vào tầm mức huy chương ASIAD và còn cách xa HCV. Với đấu trường Olympic, Viên chưa đạt đến thông số thành tích nào có thể giành quyền vào chung kết một nội dung, tương ứng với Top 8 chứ chưa nói đến hy vọng đoạt huy chương.
Với tài năng cùng sức vươn tuyệt vời mà Viên đang có, có thể tin chắc chị sẽ còn tiến rất xa nhưng đòi hòi không chỉ các điều kiện đảm bảo tối ưu mà còn cần cả thời gian một vài năm nữa. Trong khi đó, bên cạnh và phía sau Viên, bơi Việt Nam không có gương mặt nào có hy vọng tiệm cận nhóm hàng đầu châu lục. Những Quý Phước, Quang Nhật hay Duy Khôi chỉ đủ sức chinh phục HCV SEA Games và có quyết tâm, nỗ lực, may mắn lắm mới có thể mơ một tấm huy chương châu lục theo kiểu may mắn nhờ khoảnh khắc xuất thần.
Nếu chỉ dừng ở mục tiêu SEA Games, bơi Việt Nam có thể yên tâm thêm một vài kỳ Đại hội nữa. Chỉ có điều, một khi nhắm tới sự phát triển bền vững, toàn diện, hướng tới tầm châu lục và thế giới, thực sự môn này mới chỉ ở bước khởi đầu sau khi thoát khỏi 3 thập kỷ chìm nghỉm.
HÀ THẢO
Thực ra tôi quá hiểu rằng mình hãy còn quá “bé” so với thế giới khi chưa có nội dung nào lọt vào tới Top 20 thế giới. Còn châu Á đã ở gần hơn với một số nội dung đã nằm trong số có huy chương. Tôi hiểu rằng mình còn phải nỗ lực phấn đấu dài dài cho hy vọng có thể tiếp cận nhóm hàng đầu thế giới, có lẽ trong nhiều năm nữa” – Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.
Đầu tư mới bằng 1/7 của Singapore: Có thể rất tự hào về hiệu suất thành công song bơi Việt Nam nhìn từ SEA Games 28 còn những nỗi lo lớn, nhất là ở bài toán gốc rễ: nền tảng, sự bài bản và kinh phí đầu tư. Theo ước tính, đầu tư của Việt Nam cho môn bơi chỉ bằng một nửa của Thái Lan, Indonesia và 1/7 của Singapore. Điều này được minh chứng sinh động qua sự so sánh giữa Ánh Viên với Schooling. Nếu như kình ngư Việt Nam được ưu tiên đặc biệt nhất trong năm 2014 cũng chỉ ở mức 200 nghìn USD thì Schooling được đầu tư tới 900 nghìn USD.
Hiện tại, bơi Việt Nam cũng mới chỉ có Ánh Viên tập huấn dài hạn ở Mỹ. Quý Phước cũng chỉ được rèn giũa theo đợt tại Nhật Bản. Còn các gương mặt khác của ĐTQG chỉ đào tạo ở trong nước, với thầy nội và điều kiện còn nhiều hạn chế.