Các thành phố từ chối tổ chức Olympic: Olympic thành NOlympic
Olympic đang bị tẩy chay
Đây có lẽ là điều mà Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) không lường trước được, nếu không muốn nói việc đăng cai Olympic giờ trở thành một thách thức lớn mà họ cần xem xét và có lẽ cũng nên trao huy chương cho các thành phố nào dũng cảm nộp đơn xin tổ chức. Bởi cách đây không lâu, người dân của Munich, Krakow tại Ba Lan và St. Moritz/Davos ở Thụy Sĩ cũng đồng loạt phản đối Olympic mùa đông 2022 khi được hỏi. Kết quả là cuộc đua chỉ còn lại Bắc Kinh, thành phố từng tổ chức Olympic mùa hè 2008, và Almaty của Kazakhstan, trước khi Bắc Kinh giành chiến thắng dù ở đây không có... tuyết.
Như một phản ứng dây chuyền, người Boston cũng quyết định tẩy chay khi thấy khoản ngân sách sẽ phải bỏ ra và Uỷ ban Olympic Mỹ (USOC) không còn lựa chọn nào khác là phải đề nghị Los Angeles đứng ra thay thế.
Tương tự như vậy, Liên đoàn thể thao Olympic Đức (DOSB) cũng chọn giải pháp an toàn. Trước đây, việc DOSB chọn Hamburg thay vì Berlin không tạo ra bất cứ bất hòa nào vì đa số người Đức vào thời điểm đó ủng hộ cho Hamburg. Thế nhưng, từ chỗ 64% ủng hộ Hamburg hồi tháng 3 và phản đối ngay trong tháng 11, DOSB và IOC chắc chắn bị sốc với những diễn biến bất ngờ này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu Los Angeles, Rome, Paris và Budapest quyết định từ chối trưng cầu ý dân vào lúc này.
Theo chủ tịch của DOSB, Alfons Hormann, kết quả trưng cầu ý dân của Hamburg không đại diện cho các VĐV nhưng bây giờ, các VĐV của Đức sẽ phải chờ đợi một thế hệ khác có cơ hội được tranh tài trên sân nhà. "Đức và ý tưởng Olympic ở thời điểm hiện tại là không tìm được tiếng nói chung," ông Hormann cho biết.
Lo ngại về chi phí?
Nói gì thì nói, việc người dân Hamburg nói “không” với Olympic là rất bất ngờ, đặc biệt khi kế hoạch vận động xin đăng cai nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, truyền thông, các VĐV và CLB bóng đá của thành phố, Hamburg. Thậm chí, những đảng phái chính trị như phe cánh tả Die Linke và Euroskeptic Alternative cũng không phải là các rào cản không thể vượt qua. Tuy vậy, khi một CLB hạng hai như St. Pauli cũng gia nhập vào danh sách "NOlympic", hẳn người Hamburg phải có những lý do thuyết phục.
Hay như văn phòng Hamburg của cơ quan thuế liên bang BdSt, nơi luôn kêu gào tổ chức Olympic là lãng phí thời gian và tiền bạc, cũng như thường xuyên giám sát chặt chẽ mọi con số về tài chính, đã đưa ra những cảnh báo về dự án Olympic được ước tính sẽ ngốn tới 7,4 tỷ euro (7,84 tỷ USD).
"Vấn đề tài chính đưa ra cho Hamburg là chặt chẽ và chúng tôi kiểm tra thường xuyên," Christoph Metzner của BdSt Hamburg cho biết. "Từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi không phản đối việc tổ chức. Thế nhưng, kết quả trưng cầu ở Hamburg đã rõ ràng và vì vậy, chúng tôi phải chấp nhận."
Nói thế nhưng BdSt Hamburg cũng hiểu rõ rằng, đưa ra những con số ước tính là một chuyện, còn chi phí tăng lại là một chuyện khác và lịch sử cho thấy, không có Olympic nào mà ngân sách không tăng so với con số dự trù. Đó là chưa kể Hamburg chưa phải là một thành phố nổi tiếng và giàu có như London, Paris hay New York như Metzner thừa nhận. “Chúng tôi không nghĩ Hamburg sẽ được lợi từ việc tổ chức Olympic về lâu dài”, Metzner cho biết thêm. "Tất cả phải thừa nhận rằng, Hamburg không thể so sánh được với London, Paris, New York về sự nổi tiếng. Dĩ nhiên, một sự kiện như Olympic cũng sẽ giúp Hamburg được biết đến nhiều hơn".
Đồng thời còn giúp họ hoàn tất cả dự án cơ sở hạ tầng trong thành phố mà nếu không có Olympic, không biết khi nào chính quyền sở tại sẽ thực hiện được.
Vì thế, hẳn không ít người sẽ thấy tiếc cho Hamburg, đặc biệt khi trên đài ARD sau cuộc trưng cầu, Bộ trưởng tài chính là Wolfgang Schauble có cho biết chính phủ liên bang đã sẵn sàng chia sẻ những khó khăn: "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể về mặt tài chính. Chính phủ Đức luôn ủng hộ Hamburg, dù không như Hamburg hy vọng".
Mặc dù vậy, đầu tư của Đức cho các cơ sở hạ tầng công cộng và tư nhân trong thời gian gần đây là không đều. Nói thế để thấy rằng chính phủ hứa là một chuyện, còn thực hiện hay không trong 8 năm tới là một chuyện khác. Lấy ví dụ, dự án sân bay mới ở thủ đô, Berlin Brandenburg, xây dựng kể từ năm 2006 và từng một lần khởi động lại vào năm 2010 giờ sẽ bắt đầu thêm một lần khởi động nữa vào quý 4 năm 2017. Hay đường đua Nurburgring thuộc nhà nước giờ nằm trong tay tư nhân và được bán với một giá rất rẻ sau khi phần lớn ngân sách thành phố dành để tu sửa bị thâm hụt. Rồi cảng Hamburg, nơi dự kiến sẽ tổ chức một số môn thi ở Olympic, nhà hát Elbe Philarmonic Hall - dự kiến hoàn thành năm 2010 - giờ chuẩn bị khởi công lại trong năm 2017, tức là sau gần một thập kỷ bắt đầu.
Những vấn đề cần ưu tiên
Ngân sách luôn là chuyện khó nói với bất cứ mọi thành phố xin đăng cai Olympic nhưng IOC cũng hiểu rằng, ngẫm ra thì kết quả cuộc trưng cầu của Hamburg là không quá bất ngờ nếu nhìn vào một loạt sự kiện xảy ra gần đây. CEO cho Uỷ ban vận động xin đăng cai Olympic của Hamburg là Nikolas Hill đưa những ví dụ như vụ tấn công khủng bố ở Paris, sự xuất hiện của hàng trăm nghìn người tị nạn và scandal doping, tất cả đã làm thay đổi suy nghĩ của người Hamburg chỉ trong một thời gian ngắn.
Hay nói như ông Metzner của BdSt thì “Đa phần đều sẽ nghĩ ‘chúng ta còn có những vấn đề khác cần lo hơn một sự kiện thể thao sẽ ngốn của thành phố 11,2 tỷ euro’".
Trên tất cả, nếu ý định đăng cai của Munich và Hamburg đều không được người Đức ủng hộ, thật khó để họ có được những lá phiếu từ IOC. Nhưng cũng phải thấy rằng, đây không phải là một thời điểm thích hợp để Hamburg nói riêng và nước Đức nói chung chỉ nghĩ đến thể thao.
Không có tiền đừng nghĩ đến Olympic
Chi phí tổ chức cho Olympic đã tăng vọt trong thời gian gần đây và được đánh giá là vượt quá khả năng của một thành phố hay một quốc gia. Chẳng hạn như Olympic mùa đông 2014 tại Sochi, Nga, có chi phí vào khoảng 50 tỷ USD. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử Olympic. Hay Olympic mùa hè 2008 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngân sách cũng đã đội lên tới 40 tỷ USD. Trong khi đó, 10 tỷ USD tổ chức Olympic mùa hè 2004 được xem là lý do dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp.