Chuyện ăn tập trên đất Mỹ của Ánh Viên: Một hình mẫu, một bài học
3 ông thầy & chiếc máy đẩy nước
Đầu tiên là chuyện HLV, cùng với thầy Tuấn thì Ánh Viên còn được kèm cặp bởi 2 chuyên gia ngoại hàng đầu, một phụ trách chuyên môn, một chuyên về thể lực. Cứ đúng giờ, họ có mặt tại bể bơi, thực hiện giáo án đúng đến từng chi tiết nhỏ để làm sao cô học trò đến từ Việt Nam luôn phải nỗ lực tới cùng. Sau mỗi ngày, họ lại kiểm tra thành tích, khả năng chịu đựng của Viên bằng những thông số máy móc ghi lại nhằm có điều chỉnh thích hợp, với điểm mấu chốt là phải đẩy khối lượng vận động lên cao một cách vững chắc.
Để có sức đột phá, Viên đã phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng, theo đó trên một đường bơi chuyên dụng được máy đẩy nước chảy với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ đất Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được. Hồi đầu, có lần Viên còn bị dòng nước hất theo đập đầu, chảy máu.
Riêng việc luyện kỹ thuật bơi với Viên cũng vô cùng kỳ công, với những bài tập tưởng như đơn giản mà siêu khó. Với một chiếc cốc đầy nước đặt trên trán, Viên phải bơi ngửa làm sao để nó không đổ. Cũng phải qua tới nửa năm, kình ngư này mới có thể làm chủ cơ thể để chiếc cốc chẳng hề rung rinh trên suốt đường bơi, có nghĩa là cơ thể, kỹ thuật bơi ngửa đã đạt tới độ chuẩn nhất.
Cùng với đó là cung cấp dinh dưỡng. Ăn như một nhiệm vụ và cách tập, như lời của Viên. Chuyện về bữa ăn một cân thịt bò, mấy chục con tôm, một đĩa mì to, một đĩa rau trộn, một lít sữa tươi cũng chỉ là một phần trong thực đơn khổng lồ và phức tạp của VĐV này. Có đến nửa năm, Viên vừa ăn vừa nước mắt lưng tròng, không ăn nổi xin nghỉ rồi ăn tiếp, ăn cố và bữa ăn mất gần 2 tiếng đồng hồ.
“Nuốt” 5-7 km mỗi ngày
Phía sau những kỳ tích liên tiếp mà kình ngư cao 1m73 này tạo nên, có vô khối câu chuyện lạ đến mức khó tin với mặt bằng chung của TTVN.
Một ngày tập bình thường của Viên cũng đã khác biệt hoàn toàn so với các tay bơi trong nước, khi nó theo đúng chuẩn hàng đầu thế giới. Và quan trọng nhất, có lẽ cả làng bơi Việt, duy nhất Viên có đủ khả năng, quyết tâm và sự bền bỉ để theo được.
Tùy theo chương trình đào tạo gắn với các chu kỳ do 2 ông chuyên gia Mỹ đặt ra, Viên sẽ có thể phải tập 1, 2 hay thậm chí 3 buổi ngày. Mà phổ biến nhất chính là định mức 2 buổi/1 ngày. Mỗi buổi xuống nước của cô từ 1,5 đến 3 giờ, với cường độ và sự tập trung cao nhất. Tính trung bình, một ngày tập của Viên phải đảm bảo khối lượng vận động tương ứng với mức 5-7 km. Con số này vượt xa các nam tuyển thủ xuất sắc như Quý Phước hay Quang Nhật, đồng thời gấp đôi các đàn em nữ ở ĐTQG như Mỹ Thảo, Phương Trâm.
Hà Thảo
Có khi đang tập, nhà bếp lại gọi Viên lên bờ để phục vụ bữa ăn đặc biệt với một nhúm thức ăn cùng thực phẩm thuốc chuyên biệt, đắng đến mức chỉ ăn bằng cách… nuốt thẳng.
Mới 19 tuổi, Ánh Viên đã có tới 8 năm xa nhà biền biệt. Đặc biệt từ khi sang Mỹ tập huấn, mỗi năm Viên chỉ có thể “ghé” về thăm nhà 2-3 lần với thời gian vô cùng ngắn ngủi. Nhiều cũng chỉ đủ chui vào lòng mẹ ngủ một đêm, thường thì chỉ vài tiếng đồng hồ để ăn một bữa cơm cùng với đại gia đình. Bởi quy trình huấn luyện vô cùng nghiêm ngặt kéo dài của Viên không hề có chỗ cho sự nghỉ, và trở về nước cũng là để đấu giải. Nó khắc nghiệt đến mức có lần dự giải quốc nội xong, kình ngư này đã lập tức phải ra thẳng sân bay và bố mẹ Viên đã phải chạy xe đò 5 tiếng đồng hồ từ quê lên Tân Sơn Nhất để có được vài chục phút ngắn ngủi bên con gái.