Chuyện Chủ tịch các Liên đoàn - Hiệp hội Thể thao: Như bài toán... vô nghiệm

thứ năm 17-12-2015 22:50:56 +07:00 0 bình luận
Bài toán Chủ tịch sẽ còn khó khăn, thậm chí bế tắc kéo dài vì bản thân những người đứng đầu các Liên đoàn - Hiệp hội (LĐ-HH) cũng không rõ phải, nên làm gì trong khi ngành thể thao vẫn chưa biết làm sao có thể “nắm” được các yếu nhân này.

Người hiếm hoi thấy “có lỗi”

Đó là trường hợp của ông Lê Minh Hồng, vị Chủ tịch duy nhất đã thẳng thắn chia sẻ về việc bản thân mình cảm thấy “có lỗi với bóng chuyền” khi kết thúc nhiệm kỳ của mình.

Dù được đánh giá là Chủ tịch hiếm hoi thành công, vị lãnh đạo của LĐ-HH bóng chuyền Việt Nam này vẫn cho rằng còn có nhiều việc vẫn chưa làm được như kỳ vọng.

Theo Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu bởi quỹ thời gian dành cho bóng chuyền quá eo hẹp. Trong suốt 7 năm, lúc nào ông cũng canh cánh nỗi lo gắn với sự kiêm nhiệm. Nếu ông không làm tốt, có thể ảnh hưởng đến cả 2 nơi đang gánh trọng trách. Vì thế, ông kiên quyết xin không tái cử khóa mới với mong muốn LĐ-HH tìm được người mới có điều kiện và chuyên môn phù hợp hơn.

Có thể thấy, trong bối cảnh đặc thù các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao tại Việt Nam, tìm được một doanh nhân tâm huyết và trách nhiệm như ông Hồng cũng đã quá khó. Chí ít ông đã góp phần quyết định để hình thành nên một LĐ-HH hoạt động bài bản và có tính tự chủ cao, nổi bật với nguồn kinh phí 10-17 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều vị Chủ tịch khác dù không thấy mình “có lỗi” gì song trong suốt thời gian tại vị không để lại bất cứ dấu ấn gì, cá biệt còn không làm gì. Thậm chí, một số vị từ khi nhận lời mời hay chủ động ứng cử cho đến lúc rút lui khỏi không biết mình phải làm gì và có thể làm gì, do bản chất không liên quan ngoài chức danh.

“Mời giúp thì làm sao nắm”

Với ngành thể thao và chính các LĐ-HH, vị trí Chủ tịch giống như một bài toán khó chưa có lời giải, phần nào đó bế tắc. Sau mỗi lần Đại hội, nhất là với một Chủ tịch mới, bản thân những người được chọn vào vị trí đứng đầu và và tập thể bên dưới đều rất quyết tâm, nóng lòng tạo nên sự đột phá, đổi mới nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy. Vị Chủ tịch kiêm nhiệm vì quá bận rộn và quan trọng hơn lại không có sự gắn bó, ràng buộc trực tiếp, dù chỉ ở mức tối thiểu, nên ngày càng ít xuất hiện.

Các cán bộ thuộc cấp chỉ còn cách có vấn đề lớn thì báo cáo, sự kiện lớn thì mời xuất hiện kiểu điểm danh, ngồi “mâm trên”. Ngành thể thao trong vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước lại càng khó tác động hay can thiệp gì mà hầu hết đều chỉ thông qua ông TTK vốn là cán bộ của ngành kiêm nhiệm hay biệt phái.

Như đúc kết của những TTK từng trải qua nhiều đời Chủ tịch, điều này dễ hiểu bởi “mình mời người ta giúp, làm sao có thể nắm hay đòi hỏi, chỉ biết phụ thuộc vào đam mê, trách nhiệm và điều kiện thực tế của họ”.

Trong điều lệ các tổ chức xã hội- nghề nghiệp thể thao quốc gia đều có hàng loạt điều khoản về quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch. Chỉ có điều, tất cả lại chưa hề được cụ thể hóa, và không thể áp dụng đối với các vị Chủ tịch kiêm nhiệm có xuất phát điểm chỉ bởi đam mê, nhờ giúp hay đơn giản là bản thân muốn có thêm một cái danh, một công việc lúc nghỉ hưu… 

Khác với bài toán khó đang rơi vào bế tắc về Chủ tịch các LĐ-HH, vị trí TTK dù cũng phức tạp song vẫn có thể giải quyết được một phần cơ bản theo mô hình nhân sự chuyên trách và chuyên môn hóa. Điều đó có thể minh chứng qua hiệu quả của việc ngành thể thao cử cán bộ biệt phái sang làm chuyên trách ở một số LĐ-HH có nhu cầu và điều kiện.

"Hễ mỗi lần các LĐ-HH tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, ngành thể thao lại rất đau đầu trong trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phải lo lắng, hỗ trợ quá nhiều vấn đề từ nhân sự cho tới kinh phí. Để có thể đột phá, các LĐ-HH cần phải đổi mới phương thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, gắn với việc tuyên truyền, quảng bá để thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội, của các doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn thế, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp, trước hết về tổ chức và nhân sự”. Tổng cục Phó Tổng cục TDTT, Phạm Văn Tuấn.

"Tôi cho rằng Chủ tịch các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao tại Việt Nam là một nghề tay trái, và phải là người thực sự đam mê, tâm huyết và nỗ lực mới có thể đảm đương tốt được. Các doanh nhân càng khó vì họ quá bận rộn, và đang phải tập trung tối đa cho việc sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn trong tình hình hiện tại. Chính tôi đã phải mất tới 2 năm cùng những người có trách nhiệm của LĐ-HH mời gọi, vận động, kể cả bạn bè đồng nghiệp của mình, và cũng bị từ chối nhiều lần mới có được ứng viên Chủ tịch cho nhiệm kỳ mới”. Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Lê Minh Hồng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội