Chuyện của bóng chuyền Việt Nam: Tủi với giải đấu “oách” nhất thế giới

thứ tư 9-12-2015 22:50:34 +07:00 0 bình luận
Về số lượng, giải VĐQG bóng chuyền đang thuộc diện… hàng đầu thế giới với sự tham dự của 12 đội bóng nam, 12 đội bóng nữ. Thế nhưng, chính quy mô “oách” nhất ấy lại đang làm hại môn thể thao vẫn được coi là số 2 tại Việt Nam.

12 đội trên “ngọn”, 5 đội dưới “gốc”

Ngoài Việt Nam, hiện tại chỉ Trung Quốc duy trì một cuộc đấu có quy mô “hoành tráng” tương tự. Phương thức tổ chức giải với 12 đội nam, 12 đội nữ bắt đầu từ mùa 1999, xuất phát từ mặt bằng chung rất thấp, tình trạng nửa phong trào nửa đỉnh cao của các đội, hệ thống các giải không rõ ràng. Việc gom các đội có khả năng vào chung được coi như một giải pháp tình thế không thể khác, nhằm nâng chất cho chính các đội cùng cả giải.

Chỉ có điều, cách thức ấy đã sớm bộc lộ bất cập rất cơ bản khi ngay từ đầu khoảng cách trình độ giữa các đội đã rất lớn, và ngày càng tiếp tục phân hóa. Vài mùa giải trở lại đây, nó đã thực sự khiến cho giải đấu quốc nội cao nhất của bóng chuyền Việt Nam rơi vào sự trì trệ, tụt hậu cũng như kìm hãm sự phát triển của cả môn.

Càng nghịch lý bởi trong khi giải VĐQG có tới 12 đại diện thì giải hạng A mùa nào cũng chỉ vỏn vẹn 4-5 đội. Nó đã khiến cho giải VĐQG gần như không “nhờ cậy” được gì ở giải hạng dưới quá đì đẹt, với một vài đội hết lên lại xuống hạng. Phần nào đó, cả hai cuộc đấu này đều rơi vào một vòng luẩn quẩn, chưa thấy lối ra.

Cả giải đấu chỉ có vài trận

Tình cảnh 12 đội phân thành nhiều đẳng cấp khác nhau, rõ nhất ở giải nữ, đã dẫn đến thảm họa về chất lượng chuyên môn của giải đấu vẫn mang danh đỉnh cao quốc nội ấy, nhất là vòng bảng. Thậm chí, nhiều cuộc chạm trán - đơn cử nữ Thông tin LienVietPostBank với Quảng Ninh hay VTV Bình Điền Long An với Hải Dương, chẳng khác gì một màn “tra tấn” đối với cầu thủ 2 đội, cùng khán giả.

Cả giải VĐQG qua 2 vòng đấu bảng, 1 VCK mà chỉ có khoảng 4-5 trận đáng xem đủ biết tệ hại đến mức nào. Riêng mục tiêu quan trọng bậc nhất là phát hiện, rèn giũa cầu thủ trẻ, nâng tầm cho các tuyển thủ quốc gia vì thế cũng bất thành. Qua cả chục mùa giải, số nhân tố mới, ở mức có thể đảm đương nhiệm vụ ở ĐTQG, được tạo nên ít đến mức có thể đếm được trên một bàn tay.

Như đánh giá thẳng thắn của HLV Phạm Văn Long, HLV đội nữ 4 lần liền “độc chiếm” ngôi đầu giải nữ Thông tin LienVietPostBank, mỗi mùa đội bóng của ông thực chất chỉ phải thi đấu đúng 2 trận - 1 trận bán kết và 1 trận chung kết - còn lại đều chỉ cọ xát, thử nghiệm chiến thuật và đội hình. Dù lâu nay vẫn tự hào về sức hút với khán giả song thực chất ngoài việc tổ chức ở các địa phương vùng sâu xa, giải VĐQG cũng chỉ thực sự hấp dẫn ở một vài trận tranh chấp thứ hạng của VCK.

Sau 16 năm chuyển đổi mô hình, với nguồn đầu tư của các CLB lên tới hàng trăm tỷ mỗi năm, giải VĐQG vẫn đang dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là còn tệ hơn cả thời bao cấp, nếu xét trên một số phương diện.

Giải VĐQG của hầu hết các nước, rõ nhất với các nền bóng chuyền chuyên nghiệp như Thái Lan, đều đang duy trì mô hình tổ chức gồm 8 đội. Đây là một kết quả đã được Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) và Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) nghiên cứu, tổng kết, áp dụng hiệu quả tại VCK giải VĐTG, giải vô địch châu Á, cũng như được minh chứng thuyết phục ở giải VĐQG các nước.

Ngoài quy mô, giải VĐQG bóng chuyền còn rơi vào lối mòn trong cách thức tổ chức. Vòng 1 được mặc định tổ chức tại các địa phương khu vực phía Bắc trong khi quyền đăng cai vòng 2, kèm theo VCK của giải thuộc về các địa phương phía Nam. Điều đó đã dẫn đến sự bất hợp lý và bất công lớn đối với chính các đội bóng, và đặc biệt là cho khán giả.

“Từ lâu chúng tôi đã nhìn nhận rõ về những bất cập cơ bản của mô hình giải VĐQG gồm 12 đội nam, 12 đội nữ. Việc giảm quy mô, tăng chất lượng chưa thực hiện được vì nhiều lý do, gắn với đặc thù của bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ chúng ta sẽ phải quyết tâm thực hiện. Không chỉ bởi đã hội đủ các yếu tố mà còn xuất phát từ đòi hỏi của thực tế. Tới đây, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc Hội thảo quy mô toàn quốc, trong đó có sự tham dự của đại diện tất cả các đội bóng, để bàn bạc và thống nhất về việc đổi mới, nâng chất các giải đấu. Theo đó, giải pháp trọng tâm là giải VĐQG sẽ chỉ còn 8 đội nam và 8 đội nữ, kể từ mùa 2017” - Ông Trần Đức Phấn (Tổng cục Phó Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam).

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội