15 trò chơi “làm” người khuyết tật & bài học cuộc sống

thứ năm 4-2-2016 15:49:41 +07:00 0 bình luận
Tròn 10 năm tôi mới quay trở lại Singapore, cũng là lần đầu tiên đi tác nghiệp tại một sự kiện thể thao dành cho người khuyết tật. Không còn cảm giác bỡ ngỡ khi lần đầu đi tàu điện ngầm nhưng tôi lại háo hức hơn muốn tìm hiểu người Singapore làm gì với ASEAN Para Games 2015.

Ba mẹ con học “làm” người khuyết tật

Suốt những ngày lang thang tác nghiệp tại Singapore, tôi được chứng kiến những hình ảnh cứ tái hiện mãi trong tâm trí. Trong đó, tôi đã thực sự cảm thấy sốc vì tính nhân văn trong nỗ lực tổ chức 15 trò chơi, để… tạo điều kiện cho người dân có những trải nghiệm giống như VĐV khuyết tật, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng.

Cậu bé 3 tuổi, Simon Lam, reo mừng “Mama win! Mama win! – Mẹ chiến thắng”, khi bà mẹ đẩy quả bóng vào khung thành do cô chị Stella, 5 tuổi, đang trấn giữ. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó không phải là 1 trong 15 trò chơi được tổ chức tại ASEAN Para Games Festival, giúp người dân trải nghiệm cảm giác của một người khuyết tật khi trực tiếp đá bóng vào lưới trong điều kiện bịt mắt, ngồi xe lăn bắn cung, vượt chướng ngại vật, ngồi trên ghế cố định đánh bóng bàn, học các ký hiệu ngôn ngữ của người câm…

Stella, 5 tuổi, sau khi tham gia cuộc thi bắn cung trên xe lăn, ngồi một chỗ đánh bóng bàn, bịt mắt đá bóng, chia sẻ: “Ở trường, cô giáo dạy chúng con phải sống và cư xử thân thiện, gắn bó với mọi người. Con thấy những trò chơi này rất khó thực hiện, khó ghi điểm và con hiểu họ (những người khuyết tật) còn khó khăn hơn nhiều để chiến thắng”. Chiến thắng hiển nhiên luôn là mục tiêu cuối cùng trong mỗi cuộc thi đấu nhưng Vincent Lim, người phụ trách việc tổ chức một cuộc Festival nhân Đại hội, cho rằng đích đến của sự kiện này không phải là chiến thắng của mỗi cá nhân, thay vào đó là cả cộng đồng, xã hội.

“Chúng tôi không có mục tiêu nào khác hơn là giúp mọi người ý thức về điều kiện cuộc sống, sinh hoạt và phần nào đó là suy nghĩ của những người khuyết tật. Họ cũng là một thành viên của xã hội, cộng đồng và có quyền được đối xử, sinh hoạt, sống và làm việc như bất kỳ ai. Ngày hội này là của tất cả mọi người, nhưng nó dùng thể thao làm phương tiện, cầu nối để gắn kết các cá nhân lại với nhau”, Lim chia sẻ.

Ánh sáng từ chiếc xe lăn

Vấn đề không dừng lại ở việc chỉ đeo lên tấm bịt mắt, hay buộc cánh tay đi thăng bằng trên dây, Ngọc Hà, một tình nguyện viên người Singapore gốc Việt, cho rằng những sự kiện như thế này giáo dục cho con người sự chia sẻ cũng như giúp đỡ cộng đồng những người khuyết tật, chiếm 3% dân số Singapore, với độ tuổi từ 3 đến 70. “Đó là một câu chuyện thuộc về nhận thức”, Ngọc Hà nói. Còn với Lim Teck Yin, Chủ tịch Ban Tổ chức Đại hội, ASEAN Para Games cũng giống như “mọi chuyến đi đều khởi đầu từ một bước chân, và cuộc đấu dành cho những người chiến thắng tật nguyền đã đem tới cho người dân Singapore một tấm bản đồ rộng lớn”.

Sự thành công rực rỡ của ASEAN Para Games tại Singapore không chỉ bấm nút khởi động một quá trình thay đổi nhận thức, giữa những người khuyết tật, những em nhỏ xứ Quốc đảo được bố mẹ, thầy cô dẫn tới các địa điểm thi đấu để chứng kiến và cổ vũ, mà lớn hơn nữa còn là giới truyền thông Singapore và khu vực nói chung.

Quản trị viên IT, Adrian Ee, 39 tuổi, cùng 2 con trai có mặt tại Trung tâm thể thao dưới nước (OCBC Aquatic Centre), khẳng định anh đã khám phá ra điều gì đó còn ý nghĩa hơn cả một cuộc thi. Ee nói: “Tôi được truyền cảm hứng từ những VĐV bơi lội này. Họ chỉ còn 1 chân, hay cụt cả 2 tay. Nhưng điều đó không ngăn cản họ tham gia nội dung bơi bướm, đòi hỏi các động tác tay nhiều nhất. Ngay cả khi không cần cánh tay, họ vẫn bơi, vẫn về đích, vẫn chiến thắng. Nó còn hơn cả sự tuyệt vời, giống như nhát cắt hằn sâu vào tâm trí tôi và chắc chắn là ký ức mà các con tôi sẽ luôn háo hức muốn khám phá”.

Điểm kết đọng phải nói về đám đông khán giả với tiếng gầm hân hoan cho từng chiến thắng, không chỉ dành cho các VĐV Singapore mà công bằng cho từng VĐV tham dự sự kiện. Trong buổi tối cận kề ngày kết thúc sự kiện, khi ngồi bên cạnh người đồng nghiệp và chứng kiến những nội dung thi cuối cùng của môn bơi, tôi đã chứng kiến 2 trong 3 VĐV bơi ngửa cự ly 100m bỏ cuộc, để lại Lê Thị Trâm, cô gái có nụ cười duyên dáng, mất tay trái, một mình một cuộc đua. Nhưng em không cô đơn, lạc lõng. Cả NTĐ đã cùng đứng dậy, vỗ tay, cổ vũ cho em trong từng nhịp bơi khi Trâm hoàn thành 2 vòng đua.

Và thực sự từ chiếc xe lăn, biểu tượng gắn với những con người khuyết tật đã tỏa ra ánh sáng lấp lánh của sự hồi sinh, của tình người gắn kết mà rất nhiều người đã có một bài học cuộc sống lớn. 

Singapore đã tìm lửa tinh thần từ những ngôi sao thể thao như Kobe Bryant (bóng rổ), Serena Williams (tennis) và Neymar (bóng đá) trong những năm gần đây, thậm chí cả David Beckham trong thời gian diễn ra sự kiện ASEAN Para Games 2015. “Tôi thấy ở họ tính kiên cường, không bao giờ từ bỏ”, Beckham nói, sau khi giao lưu cùng các VĐV khuyết tật. Đó có lẽ chính là mục đích cuối cùng của các nhà tổ chức.

VĐV cầu lông Malaysia, Huzairi Abdul Malek, thua trận bán kết, bước ra ngoài sảnh đấu, khuôn mặt tràn trề thất vọng. Một người đàn ông, đẩy chiếc xe lăn có cậu con trai ngồi trên, đứng chắn Huzairi. Cậu bé, không thể đứng lên, chìa cuốn sổ nhỏ, kèm cây bút, ngỏ ý muốn xin chữ ký và chụp ảnh lưu niệm. Và Huzairi, cánh tay phải bị vặn xoắn về sau, mỉm cười, bước tới ký tên vào sổ, trước khi thế chỗ người cha cùng chụp ảnh với cậu bé. 

"Chúng tôi không có mục tiêu nào khác hơn là giúp mọi người ý thức về điều kiện cuộc sống, sinh hoạt và phần nào đó là suy nghĩ của những người khuyết tật”.

Vincent Lim

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội