Chuyện kỳ thú về Nguyễn Thị Ánh Viên
4 năm rèn tập đã lên đỉnh thế giới
Khả năng khai phá bản thân không giới hạn cùng những tiếc nuối ở Viên, cũng cho thấy một tín hiệu tích cực: hạng 10 giải VĐTG hay 2 tấm huy chương Cúp thế giới mới chỉ phản ánh một phần năng lực thực tế và triển vọng của ngôi sao này.
Có một thống kê đặc biệt từ giải VĐTG khi Ánh Viên nằm trong số rất ít kình ngư nữ có thời gian ăn tập chuyên nghiệp ngắn nhất. Nếu như Viên mới chỉ trải qua 4 năm rèn giũa thì đa số đều có 7-8, thậm chí cả chục năm. Có nghĩa là tuyển thủ Việt Nam còn có rất nhiều tiềm năng để khai phá, nhất là về sức mạnh, sức bền. Trong khi kết quả của Viên sau 4 năm “trong quy trình” giờ đã ngang bằng hàng loạt hảo thủ quốc tế tập chuyên nghiệp 6-7 năm.
Ở thời điểm mới chỉ có 4 năm rèn tập, không nhà VĐTG nào có thành tích tốt như Viên ở thời điểm hiện tại. Từ đó mới thấy rõ, những chiến tích của Viên sáng giá như thế nào. Rõ ràng không phải SEA Games mà chính giải VĐTG, cúp thế giới mới chính là nơi thầy trò Viên, cũng như những người có trách nhiệm của môn bơi, thấy rõ siêu kình ngư Việt đang ở đâu và cần phải làm gì. Sau khi tới Pháp dự nốt một tour đấu của Cúp thế giới, Ánh Viên sẽ quay trở lại Mỹ tiếp tục tập huấn dài hạn.
Mức đầu tư bằng 1/9 Schooling
Ông Đặng Anh Tuấn – HLV ruột của Viên đã rất có lý khi nói rằng sự so sánh giữa Ánh Viên với Schooling – tay bơi người Singapore vừa đoạt tấm HCĐ lịch sử tại giải VĐTG hoàn toàn khập khiễng.
Đơn giản vì Viên mới có 4 năm ăn tập còn với Schooling là 8 năm tập luyện tại các trung tâm đỉnh nhất của nước Mỹ với mức kinh phí trong 4 năm trở lại đây chưa bao giờ dưới 900 nghìn USD mỗi năm.
Từ trường hợp của Schooling mới thấy rõ bơi Việt Nam đã đầu tư cho Viên hiệu quả như thế nào bởi kể từ 2013 khi được đưa sang Mỹ tập huấn mỗi năm chỉ tốn trung bình 100 nghìn USD. Có nghĩa là mức đầu tư cho Viên hiện tại chỉ bằng 1/9 của Schooling.
Vấn đề cốt yếu đặt ra với Ánh Viên trong giai đoạn tăng tốc quyết định sắp tới là phải đạt tới sự chuyên biệt, cụ thể ở việc chọn lựa ra một vài nội dung mạnh nhất, phù hợp nhất để tập trung cao độ. Trong đó, 2 cự ly 200m hỗn hợp, và nhất là 400m hỗn hợp đã nổi lên như “mũi nhọn” sáng giá tầm thế giới của Viên.
Chắc chắn làm nên chuyện ở Olympic 2016
Hiện tại Viên vẫn đang đứng ngoài Top 8 thế giới, cho dù riêng ở nội dung 400m hỗn hợp chỉ thua đối thủ hạng 8 lọt vào chung kết 0,58 giây. Thực tế, cả giải VĐTG và Cúp thế giới đều không phải là điểm rơi phong độ, thể lực cao nhất trong năm, điều đã dành cả cho SEA Games 28.
Với Olympic 2016 mà Viên đã đạt tới 3 chuẩn A, cô còn đúng 1 năm để chuẩn bị với sự tập trung cao nhất. Hoàn toàn có thể tin tưởng Viên sẽ làm nên chuyện trên đất Brazil vào sang năm, chí ít cũng là việc lọt vào tới Top 8 một vài nội dung sở trường.
Hà Thảo
Trong 2 ngày 15-16/08 tới, Ánh Viên sẽ tiếp tục sang Pháp dự tranh tour đấu của Cúp TG- giải đấu thuộc hệ thống Super Series của Liên đoàn bơi quốc tế (FINA). Với 1 HCB, HCĐ tại tour đấu trên đất Nga, Viên đã nhận được số tiền thưởng 1.500 USD. Đây cũng mới là lần đầu tiên Viên có tiền thưởng tại một cuộc đấu quốc tế mang tính chuyên nghiệp.