Chuyện VĐV Việt kiều của TTVN: “Đích” chưa từng... nhắm
2 VĐV Việt kiều từng vô địch Olympic
Dù chưa có thống kê cụ thể song có thể thấy cả hàng trăm VĐV gốc Việt ở hàng chục môn thể thao đang tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp, và thành danh trên thế giới. Có một số VĐV còn vươn tới đỉnh quốc tế cao nhất.
Trong đó, nổi bật nhất là 2 nhà vô địch Olympic Mai Lan Fox và Carol Huỳnh. Tại Olympic 1996, kình ngư 19 tuổi có bố người Mỹ mẹ người Việt Mai Lan Fox đã trở thành VĐV Việt kiều đầu tiên đăng quang khi cùng các đồng đội đoạt tới 2 HCV ở 2 nội dung tiếp sức 4 x 100m hỗn hợp và 4 x 100m tự do. Đến Olympic 2008, lại có một Việt kiều khác, đô vật có bố người Hoa mẹ người Việt Carol Huỳnh, trong màu áo Canada bước lên ngôi cao nhất hạng 48kg.
Ngoài ra, ngay kỳ Olympic 2012, một VĐV có bố gốc Việt mẹ người Đức là Marcel Nguyễn (TDDC) cũng gây chấn động khi mang về tấm HCB toàn năng lịch sử cho nước Đức sau 76 năm. còn phải kể tới tay vợt cầu lông người Mỹ gốc Việt Howard Bach, đã giành ngôi Quán quân đôi nam tại giải VĐTG 2005.
Những thành quả sáng giá ấy phần nào chứng tỏ tố chất, khả năng thể thao của người Việt không hề kém cạnh so với mặt bằng chung quốc tế. Các mẫu hình thành công đó cũng gợi mở cho TTVN về cách thức phát hiện, đào tạo VĐV. Chính họ còn có thể là đối tượng trực tiếp để ngành thể thao thu hút, vận động sự đóng góp cho quê hương.
Niềm tự hào “vay mượn”
Tại Olympic 2012, ngôi sao TDDC Marcel Nguyễn không chỉ tạo nên một cơn sốt trên đất Đức mà còn là một “hiện tượng” cả ở Việt Nam. Giới chuyên môn và NHM phần nào đó còn quan tâm chú ý đến nhà Á quân Olympic này hơn cả các tuyển thủ của đoàn TTVN. Tấm HCB toàn năng của Marcel Nguyễn đã dấy lên một niềm tự hào về một VĐV tài năng mang dòng máu Việt. Mọi thông tin cá nhân, gia đình, quá trình phát triển của chàng trai có bố người Việt được khai phá, đề cập trong sự phấn khích, cứ như thể anh giành huy chương Olympic cho Việt Nam. Khi đó, người ta còn nhiệt tình cổ vũ cho một VĐV Việt kiều khác, đô vật Carol Huỳnh.
Về bản chất, ai cũng biết đó chỉ là một niềm tự hào “vay mượn”. Tuy nhiên, điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu, gắn với một lý do khách quan khi đoàn TTVN thất bại hoàn toàn trong mục tiêu giành 1 tấm huy chương Olympic. Thậm chí, hầu hết các tuyển thủ đều bị loại sớm, theo đúng cách “không thể đỡ nổi”. Với một số VĐV Việt kiều tỏa sáng, chí ít, người ta cũng có thể tìm thấy một niềm vui, sự an ủi nhất định.
Chuyện thu hút các VĐV Việt kiều giỏi về đầu quân cho TTVN đã sớm manh nha ngay từ những năm 1990, với một vài trường hợp ở môn tennis. Thế nhưng, đến giờ, nó vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời. TTVN hiện tại không thể mơ “kéo” được những hảo thủ ở đẳng cấp thế giới, xét cả về mặt điều kiện lẫn chế độ đãi ngộ.
Việc thi thoảng ở môn này hay môn khác xuất hiện nhân tố mới Việt kiều cũng chỉ mang tính nhỏ lẻ, thời vụ, chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân, hay sự phù hợp ở những thời điểm cụ thể. Và tuyệt đại đa số các VĐV Việt kiều từng tập luyện, thi đấu tại Việt Nam đều có trình độ mức khá, hay trung bình chứ chưa có ai thực sự giỏi. Và một thực tế quen thuộc là họ đến rồi lại sớm chia tay.
Có nghĩa là, VĐV Việt kiều là một “đích” mà ngành thể thao chưa từng nhắm tới.
Và điều quan trọng nhất của giấc mơ xa vời ấy, như thừa nhận của một lãnh đạo ngành thể thao, TTVN lâu nay vẫn chưa hề nghĩ và tính đến nguồn nhân lực Việt kiều. Rất nghịch lý vì đó là một xu thế nổi bật trong thời kỳ hội nhập quốc tế, có tính khả thi cao, trong khi việc phát hiện, đào tạo VĐV trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
Olympic 2012 đã chứng kiến một trận đấu đặc biệt ở vòng 1 hạng 48kg môn vật nữ giữa một đô vật số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Lụa và đô vật Việt kiều số 1 đang khoác áo Canada Carol Huỳnh.
Hai đô vật này có hình thể, khuôn mặt khá giống nhau, mang điển hình của phụ nữ Việt, đến mức nhiều khán giả tưởng đây là cuộc đấu nội bộ. Chỉ có điều, sự khác biệt mội trời một vực đã lập tức được phơi bày. Đô vật Việt kiều được đào luyện ở Canada đã khiến cho người đồng hương thua “lấm lưng trắng bụng” chỉ sau vài phút tranh tài.