Cựu VĐV khuyết tật Oscar Pistorius được tạm tha: Quản thúc tại gia vẫn sướng hơn ngồi tù
Ở nhà sướng hơn ở tù
Gọi là quản thúc tại gia nhưng sự thực thì Pistorius sẽ sống trong một biệt thự sang trọng với tường cao, cửa sắt chạm trổ tại vùng ngoại ô thủ đô Pretoria là Waterkloof. Đương nhiên, Waterkloof hoàn toàn khác xa nhà tù Kgosi Mampuru II, nơi anh đã bị gam giữ trong 12 tháng qua.
Đây là lý do giải thích tại sao cựu VĐV Olympic và Paralympic 28 tuổi này được phép rời Kgosi Mampuru II, tuy nhiên, anh sẽ bị quản thúc tại nhà của người chú bởi ngôi nhà của anh đã được đem bán để lấy tiền thanh toán án phí và thuê luật sư.
Ít nhất thì ở đây, Pistorius có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn cùng với một số điều kiện quản thúc.
Chẳng hạn như anh sẽ được ra ngoài làm việc và tham gia các hoạt động cộng đồng, như dọn dẹp thư viện… Cũng có thể Pistorius sẽ được tập điền kinh trở lại nhưng cho đến giờ, anh cần có sự chấp thuận từ phía tòa án. Một điều chắc chắn là cựu VĐV người Nam Phi sẽ không thể tham gia thi đấu ở bất cứ sự kiện Paralympic nào cho đến năm 2019 theo như người phát ngôn của Uỷ ban Paralympic quốc tế (IPC) thông báo.
Bên cạnh đó, một người bạn của gia đình Pistorius cũng tiết lộ, anh đang ở trong tình trạng sức khỏe không tốt và sẽ rất khó để trở lại với điền kinh.
Không rượu, không ma túy
Theo những quy định mà tòa án đưa ra, chế độ quản thúc tại gia của Pistorius cho phép anh được gặp gỡ mọi người. Thực tế anh cũng đã gặp một vài người bạn và láng giềng tại nhà người chú. Thậm chí cả trẻ em. Ngoài ra, Pistorius cũng có thể tham dự vào các cuộc họp mặt gia đình quan trọng.
Ngoài ra, với tính chất nghiêm trọng của án mạng đêm Valentine năm 2013, Pistorius đã bắn 4 phát qua cánh cửa bị khóa ở nhà và cho rằng anh tưởng bạn gái là một tên trộm, Pistorius sẽ không được phép lại gần bất cứ vũ khí nào. Cũng nên nói thêm là trong phiên tòa hồi năm ngoái, Pistorius cho biết anh rất thích các loại súng và có một bộ sưu tập vũ khí loại này.
Thậm chí, công việc mà Pistorius tham gia về sau này sẽ không liên quan gì đến điện và anh sẽ tiếp tục trải qua các khóa điều trị tâm lý, trong đó dự kiến có cuộc gặp mặt với cha mẹ của Steenkamp nếu họ sẵn sàng và chấp thuận.
Phản ứng trước việc tòa án cho phép Pistorius chịu quản thúc tại gia, người phát ngôn của gia đình Steenkamp, bà Tanya Coen, cho biết: “Đối với họ, việc anh ta được thả ra không thành vấn đề. Họ cũng không quan tâm xem anh ta có bị giam giữ hay không nữa. Tất cả chẳng làm cuộc sống của họ thay đổi bởi vì Reeva sẽ không bao giờ trở lại nữa”.
Còn Anneliese Burgess, người phát ngôn của gia đình Pistorius, thì khẳng định, việc cựu VĐV này bị quản thúc tại gia không có nghĩa “án phạt của Oscar được giảm hay rút ngắn thời gian”. “Anh ấy đơn giản là bước vào một giai đoạn mới trong quá trình thực hiện án tù. Anh ấy sẽ chịu giám sát dưới các quy định chặt chẽ”, bà Anneliese nói.
Nói như gia đình Pistorius, anh không hoàn toàn tự do và các hoạt động của anh sẽ bị giới hạn.
Một phán quyết nhân đạo và tiến bộ
Nhìn bề ngoài, việc Pistorius bị quản thúc tại gia có thể khiến nhiều người bất bình khi thủ phạm của vụ án mạng nhởn nhơ ở ngoài xã hội nhưng theo Vanessa Padayachee, một quan chức của tổ chức phi chính phủ Nicro hoạt động trong các lĩnh vực giúp phạm nhân hòa nhập cộng đồng, hệ thống luật pháp của Nam Phi đã cho thấy sự tiến bộ và văn minh. Bởi điều này cho phép chính phủ tiết kiệm được ngân sách dành cho các nhà tù khi giam giữ phạm nhân. Thay vào đó, Pistorius được ăn ở tại nhà, làm việc và lao động công ích. Còn trong trường hợp vi phạm các quy định quản thúc, đương nhiên anh sẽ phải chịu những mức phạt khác nhau, cao nhất là bị đưa trở lại nhà tù.
Dĩ nhiên, việc đảm bảo các phạm nhân không tái phạm là điều quan trọng nhất mà pháp luật Nam Phi hướng đến. Dù sao thì nhà tù cũng không phải là môi trường tốt nhất để làm điều này và một số người vẫn có thể không thay đổi gì ở sau những cánh cổng sắt.
Ở trường hợp của Pistorius, anh đã tìm lại được phần nào cảm giác của một người tự do nhưng cuộc chiến pháp lý của anh thì vẫn còn đang tiếp diễn. Hiện nay, các công tố viên chưa từ bỏ quyết tâm thay đổi bản án của anh, từ tội ngộ sát sang tội giết người, hay ít nhất là biến bản án 5 năm tù của anh thành 15 năm tù.
Phiên toà sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới và nếu phán quyết chống lại Pistorius, anh có thể sẽ quay về nhà tù Kgosi Mampuru II thay vì ở nhà ông chú.
Anh từng được gọi là “Người đàn ông không chân nhanh nhất” và câu chuyện vươn lên khỏi tật nguyền của anh đã làm lay động cả thế giới tại Olympic London 2012. Còn bây giờ, khi những ống kính chĩa về phía Oscar Pistorius, anh đã bị coi là thủ phạm của một bi kịch tình yêu xảy ra vào rạng sáng ngày Lễ tình nhân năm 2013.
Gọi là quản thúc tại gia nhưng sự thực thì Pistorius sẽ sống trong một biệt thự sang trọng với tường cao, cửa sắt chạm trổ.
Theo những quy định mà tòa án đưa ra, chế độ quản thúc tại gia của Pistorius cho phép anh được gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, anh sẽ không được phép ra ngoài vào buổi tối, uống rượu hay dùng ma túy.