Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao và chuyện "cào bằng đỉnh cao"

thứ sáu 22-12-2023 13:45:00 +07:00 0 bình luận
Phát triển Thể thao thành tích cao hướng đến sân chơi lớn ASIAD hay Olympic, với một vài nhóm môn trọng điểm, số ít VĐV chắt lọc ưu tú nhất, càng không có chỗ cho "tư duy xin cho hay cào bằng".

Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề: "Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic" diễn ra chiều qua 21-12 đã chỉ ra rằng, trong 2 năm gần nhất, kinh phí chi cho Thể thao thành tích cao (TTTTC) lần lượt là 686,4 tỷ đồng (2022) và 710,6 tỷ đồng (2023).

Dự kiến, trong giai đoạn 2024-2026, ngành thể thao sẽ được Nhà nước đầu tư 800-850 tỉ đồng/năm cho TTTTC. Còn trong giai đoạn 2027-2030 con số dự kiến vào khoảng 850-900 tỉ đồng/năm.

Trong đó, sẽ xác định rõ, khoanh vùng nhóm môn trọng điểm (6-8 môn), một số nội dung trọng tâm ở từng môn và số lượng VĐV chắt lọc tinh túy nhất  (25-30 người) để đầu tư.

Mục tiêu cuối cùng đó là tạo điều kiện tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, điều kiện y tế và đặc biệt là tập huấn dài hạn ở nước ngoài và thi đấu tối đa các giải quốc tế để nhóm môn, nhóm VĐV này đủ khả năng tranh chấp HCV ASIAD và có huy chương ở Olympic.

Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 nhận được ý kiến đóng góp quý báu

Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng nếu nhìn vào mức chi cho TTTTC trong 2 năm qua, con số dự kiến chi 800 hay 900 tỷ/năm đến năm 2030 không phải "sự đột phá rõ rệt về ngân sách tài chính".

Chưa kể đây cũng không phải hoàn toàn là nguồn ngân sách từ trung ương, mà còn huy động từ ngân sách địa phương và đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa. Bởi vậy, việc đầu tư, chi tiêu sao cho "trúng và đúng" vào nhóm môn và lực lượng VĐV ngôi sao trọng điểm càng đòi hỏi phải được thực hiện chuẩn xác và nghiêm túc.

Thậm chí, ngay cả trong nhóm môn, VĐV trọng điểm ngôi sao cũng cần sàng lọc tiếp để tìm ra chính xác cơ hội và hy vọng tranh chấp huy chương ASIAD, Olympic nằm ở nội dung và con người nào để từ đó dồn nguồn lực đầu tư.

Còn nếu chỉ thực hiện một cách máy móc, cứng nhắc và đầu tư dàn trải, tư duy nhiệm kỳ và cào bằng kinh phí cho các bộ môn (nội dung trong môn), VĐV trọng điểm thì đó sẽ sự lãng phí hoàn toàn có thể dẫn tới thất bại. Đây là điều mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã đặt biệt lưu ý khi phát biểu kết luận Hội nghị.

Các nhóm môn trọng điểm và VĐV ngôi sao thành tích cao phải được đầu tư tối đa có thể

Trong 2 năm qua, riêng kinh phí đoàn tập huấn, tham gia các giải thi đấu quốc tế ở nước ngoài rất khiêm tốn, lần lượt chỉ là là 90 tỷ - chiếm vỏn vẹn 13% tổng kinh phí cho cho TTTTC năm 2022, và 110 tỷ - tương ứng 15,4% tổng chi năm nay 2023.

Điều này dẫn tới những ví dụ điển hình, như ở môn bắn súng, bộ môn mới giành HCV ASIAD và đến thời điểm này là môn Olympic có đủ bộ huy chương cao quý nhất thì chi phí cho tập huấn và thi đấu quốc tế hằng năm cũng chỉ là khoảng hơn 3,3 tỷ đồng (hơn 150 nghìn đô la), trong khi con số được tính toán là cần thiết vào khoảng gấp... 3-4 lần như thế (khoảng 500 nghìn đô).

Còn với xe đạp, môn hiện đã có 1 suất dự Olympic 2024, kinh phí thi đấu quốc tế hằng năm vỏn vẹn 45 nghìn đô nên đội tuyển chỉ loanh quanh thi đấu được 2-3 giải quốc tế đều trong phạm vi khu vực, châu lục, dẫn tới việc các cua-rơ mất đi cơ hội cọ sát cải thiện thành tích.

Cục trưởng Cục TDTT ông Đặng Hà Việt từng chia sẻ, một VĐV đỉnh cao cần thi đấu quốc tế đúng nghĩa 30-40 trận/năm mới đảm bảo sự tiến bộ chuyên môn, phong độ tốt nhất.

Tất nhiên, thực tế còn tùy thuộc vào đặc thù của từng bộ môn. Nhưng rõ ràng việc phân bổ nguồn lực kinh phí với riêng đầu mục tập huấn thi đấu quốc tế cũng vẫn còn bất cập và cần phải tính toán lại trong chiến lược định hướng đầu tư cho TTTTC đến 2030.

Cũng tại Hội nghị, một trong những chia sẻ đáng chú ý đến từ chuyên gia Nguyễn Hồng Minh với trường hợp của môn cử tạ. Dù là một trong số ít môn trọng điểm có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương ASIAD, thế giới hay Olympic, nhưng ngay trong bộ môn này cũng chỉ lựa ra 3-4 hạng cân (59kg, 71kg nữ, 61kg, 67kg nam) với 2-3 gương mặt ưu tú (Hồng Thanh, Văn Vinh, Anh Tuấn) để dồn sức đầu tư tốt nhất.

Thực tế, trong năm 2023 này đội tuyển cử tạ Việt Nam cũng đã "phân thân" với nhiệm vụ được chỉ định rất rõ ràng, gồm nhóm VĐV thi SEA Games, và nhóm VĐV tập trung tối đa cho ASIAD và đặc biệt là mục tiêu giành suất đến Olympic Paris. 

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ tại Hội nghị

Tín hiệu đáng mừng là ở những môn trọng điểm khác, các gương mặt ưu tú nhất như Nguyễn Thị Tâm (boxing), Khánh Phong (TDDC), Kim Tuyền (taekwondo), Thùy Linh (cầu lông), Quang Huy, Thu Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp)..., đã và đang được "khoanh vùng đầu tư tối đa", kế đến là một số VĐV ưu tú khác ở nhóm môn này. 

Việc phân bổ nguồn lực đầu tư tính toán bài bản và khoa học như trên trước mắt giúp TTVN nhắm đến mục tiêu gần đó là tìm kiếm 12-15 suất tham dự Olympic Paris 2024. Còn xa hơn, rõ ràng cần một kế hoạch chiến lược bài bản cho cả chặng đường dài với tầm nhìn đã xác định đó là tập trung cho ASIAD và Olympic.

Nguyễn Nhanh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội