Giám đốc Chung Tấn Phong: “Tôi không thể nói chắc Phương Trâm sẽ đi Mỹ”
- Thể thao 24h: Ông có thể cho biết tại sao kiến nghị lên Sở VH&TT TP.HCM mức giá 400 triệu đồng còn lúc trước là 961 triệu và 744 triệu đồng?
Ông Chung Tấn Phong: Vấn đề ở đây không phải giá trị tiền cao hay thấp. Sở VH&TT TP.HCM có quan điểm: Nếu đi thì phải đền bù vì đó là kinh phí nhà nước nên cần thu hồi lại. Ngoài quan điểm ấy ra còn đánh giá công lao đóng góp của Trâm, nếu kình ngư này nhất quyết ra đi thì cần tính toán mọi chuyện.
Thực ra, ở đây, Sở luôn thống nhất 2 điều rõ ràng. Thứ nhất, không muốn ảnh hưởng đến sự phát triển của Trâm. Thứ hai, vẫn xem Trâm là VĐV của TP.HCM, dù 6 tháng qua em đấu dưới màu áo của Trung tâm HLQG TP.HCM. Trên tinh thần đó, chúng tôi vẫn muốn có sự đóng góp của Trâm cho bơi TP.HCM.
- Trong trường hợp hai bên không hòa giải được, mức bồi hoàn 400 triệu đồng liệu có quá thấp?
Tôi không nói chuyện rẻ hay mắc nữa. Đó chỉ là số tiền để cho thấy TP.HCM có đầu tư cho Trâm. Tính đến thời điểm hiện nay, gia đình có đơn đề xuất các mức giá hợp lý hơn. Chúng tôi cân nhắc từ nhiều chiều, cả về hoàn cảnh gia đình cũng như những đóng góp của Phương Trâm.
- Ông nghĩ gì khi gia đình nói trong trường hợp Phương Trâm ở lại TP.HCM thì cần làm lại hợp đồng, trong đó phải điều chỉnh nhiều nội dung?
Chuyện ký lại hợp đồng không phải là vấn đề lớn. Hai bên sẽ ngồi lại với nhau để bàn thảo kỹ lưỡng. Thực tế sau trường hợp của Trâm, Sở cũng có những cân nhắc để điều chỉnh hợp đồng. Thế nhưng, điều quan trọng nhất, hợp đồng phải thuận cho đôi bên. Và những yêu cầu của gia đình về việc thay đổi để mang tới sự ngoại lệ, riêng biệt cho Trâm chắc chắn sẽ không dễ thực hiện. Đơn giản vì hợp đồng này áp dụng cho cả mấy ngàn VĐV các tuyến của TP.HCM.
Cũng có thể có những ưu tiên đầu tư, đãi ngộ riêng cho Trâm hay VĐV xuất sắc nào đó, nhưng không thể ghi trong hợp đồng. Hợp đồng phải mang tính chung cho tất cả các VĐV. Ví dụ Phương Trâm đang ở tuyến Dự tuyển thì phải phù hợp với các VĐV tuyến Dự tuyển chứ không thể có hợp đồng riêng được.
- Theo ông, tại sao bơi TP.HCM có điều kiện và chế độ đãi ngộ vẫn được đánh giá tốt nhất nước nhưng nhiều VĐV lại chọn cách ra đi?
Trước đây, phụ huynh nói có khúc mắc gì với tôi nhưng chuyện đó là của phụ huynh. Sau này diễn biến các câu chuyện cho thấy phụ huynh muốn có sự đầu tư tốt hơn.
Kế hoạch, kinh phí đầu tư cho bơi lội cũng như các môn khác nằm trong một hệ thống chung của Sở VH&TT TP.HCM. Đâu phải tôi muốn là được. Ví dụ tôi thấy VĐV này hay và muốn đưa sang Mỹ tập huấn, nhưng tôi đâu có thể làm được chuyện đó.
- Thế cách xử lý vấn đề của các phụ huynh sau những vụ lùm xùm vừa qua của bơi TP.HCM sẽ như thế nào?
Những người làm cha mẹ luôn muốn tốt nhất cho con mình, vấn đề họ phản ứng tiêu cực hay tích cực thôi. Tôi không chê trách phụ huynh gì cả, song điều cốt yếu không phải chỉ các nhà quản lý huấn luyện mà chính phụ huynh cũng phải ứng xử đúng vai . Đôi khi phụ huynh nghĩ mình có quyền này kia là không đúng.
Sắp tới, Sở VH&TT TP.HCM sẽ đưa ra những nguyên tắc ứng xử của phụ huynh cho phù hợp. Điều ấy giúp phụ huynh ứng xử đúng với quyền hạn, trách nhiệm của mình. Việc thương thảo và ký hợp đồng với các VĐV hoặc phụ huynh làm đại diện, cũng sẽ phải chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn.
- Xin cám ơn ông!
"Ngay cả Ánh Viên khi sang Mỹ tập huấn dài hạn cũng phải có sự hỗ trợ 50% kinh phí từ Tổng cục TDTT, bên cạnh nguồn của đơn vị chủ quản.
Do vậy, nếu Phương Trâm được Tổng cục TDTT đề xuất đi Mỹ với mức kinh phí đảm bảo 50%, chúng tôi sẽ trình UBND TP.HCM để xin chủ trương. Bây giờ tôi làm sao nói chắc là TP.HCM sẽ cho Trâm đi Mỹ được”.
"Suy cho cùng, Trâm có đầu quân cho TP.HCM hay đơn vị nào khác vẫn là đóng góp cho bơi lội Việt Nam. TP.HCM không có Trâm phục vụ có thể xuống hạng Nhì hay hạng Ba nhưng vẫn sẽ tìm kiếm các VĐV trẻ khác để thay thế.
Phía TP.HCM có thể bị ảnh hưởng khi tranh chấp ở các giải quốc gia nhưng cần phải nghĩ theo một hướng tích cực chung: Trâm tập luyện, thi đấu cho đơn vị nào cũng là vì sự phát triển của bơi Việt Nam và chính em”.