Kỳ tích, 8 kình ngư & 10 HCV
Gây sốc ngay từ đích nhắm
Trước thềm SEA Games 28, chỉ tiêu thành tích của bơi Việt Nam được công bố là giành 6-8 HCV. Nhưng ít người biết, tại cuộc họp của đoàn TTVN, các nhà quản lý, huấn luyện môn này còn tự tin đăng ký phấn đấu tới 10 HCV. Cái đích nhắm đó thực sự gây sốc, trong sự nghi hoặc cao độ, với cảm giác có gì đó… không tưởng.
SEA Games 27, cũng với Ánh Viên, Quý Phước, Quang Nhật, bơi đoạt 5 HCV và kết quả này đã có thể coi như một chiến tích vượt quá mong đợi. Nhìn từ cả lý thuyết lẫn thực tế, thành tích 10 HCV quá khó, khi nó tăng vọt tới gấp đôi chỉ sau đúng 18 tháng.
Chỉ với 8 kình ngư, bơi Việt Nam đã đoạt tới 16 huy chương, với 10 HCV và 10 kỷ lục.
Tất cả càng choáng hơn khi bơi đề xuất một đội hình sang Singapore tranh tài đặc biệt tinh gọn, với vỏn vẹn 8 kình ngư, bằng đúng số lẻ của điền kinh (48). Trong đó, ngoài các trụ cột Quý Phước, Ánh Viên, Quang Nhật hay Trần Duy Khôi vẫn còn quá trẻ bên cạnh những gương mặt vô cùng mới. Riêng “em út” của đội Nguyễn Diệp Phương Châm mới vừa bước sang tuổi 14 và là thành viên trẻ nhất của cả đoàn TTVN.
Địa chấn với 10 HCV & 10 kỷ lục
Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới dám tin bơi Việt Nam sẽ có thể đoạt 10 HCV. Đơn giản vì họ biết rõ khả năng, tiềm năng và điểm rơi của Ánh Viên sẽ như thế nào, Quý Phước đã ổn định ra sao nhờ chuyến tập huấn ngắn ở Nhật, hay Quang Nhật đã tiến bộ đến đâu sau khi bất ngờ đăng quang ở kỳ Đại hội trước. Một cơ sở quan trọng nữa phải là họ cũng đã nắm bắt rất rõ về tương quan lực lượng so với các đối thủ.
Tuy nhiên, chắc chắn không một ai có thể hình dung nổi về một cuộc bùng nổ ngoạn mục và cơn địa chấn toàn diện trên đường đua xanh mà các kình ngư, đặc biệt là Ánh Viên đã tạo ra. Nó khởi đầu như mơ khi Việt Nam đoạt liền 3 HCV, phá 3 kỷ lục ở 3 nội dung đầu tiên ở ngày đầu thi đấu. Vượt xa giá trị chuyên môn, điểm nhấn gây chấn động đặc biệt lại là tiếng hét dậy sóng của Quý Phước khi cán đích nội dung 200m tự do, cùng hình ảnh Ánh Viên bỏ xa đối thủ sừng sỏ của chủ nhà tới 30m ở cự ly 800m tự do.
Suốt những ngày thi đấu còn lại, bơi Việt Nam mà cụ thể với Ánh Viên trở thành tâm điểm, thỏi nam châm của cả Đại hội, làm nức lòng NHM trong nước. Siêu kình ngư này đã không phụ sự kỳ vọng khi đoạt thêm 7 HCV kèm theo 7 kỷ lục Đại hội. Cuộc chinh phục kỳ diệu của bơi đã khép lại trọn vẹn với 1 HCV cùng 1 kỷ lục từ màn trình diễn đẳng cấp của tay bơi Lâm Quang Nhật ở 1.500m.
Giới chuyên môn cùng truyền thông ĐNÁ và cả quốc tế đều đã miêu tả hiện tượng Ánh Viên nói riêng, cũng như kỳ tích 8 kình ngư giành 10 HCV, 10 kỷ lục của bơi Việt Nam với 2 từ “kỳ diệu”. Và bơi Việt Nam đã vẽ lại bản đồ làng đua xanh SEA Games theo cách thuyết phục và ấn tượng nhất.
PHÚC TƯỜNG
Tính cả số HCB và HCĐ, tổng thành tích của bơi Việt Nam tại SEA Games 28 là 16 huy chương các loại (10 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ). Chiến công này chủ yếu ghi danh Ánh Viên với 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Bên cạnh đó, còn có 3 kình ngư khác gặt hái thành tích xuất sắc là Quý Phước (1 HCV, 1 HCĐ), Quang Nhật (1 HCV), Duy Khôi (1 HCB, 2 HCĐ).
ĐTQG với 8 kình ngư, trung bình mỗi thành viên sẽ được “đeo” 2 huy chương mà người nào cũng có Vàng. Đây là một hiệu suất thành công quá “khủng” và chưa từng có ở các kỳ SEA Games.
Số HCV gấp Thái Lan… 10 lần: Có một môn của TTVN đã có thể ngẩng cao đầu ở thế thượng phong với người Thái ở đấu trường SEA Games, đó chính là bơi. Trên đất Singapore, số HCV của bơi Việt Nam gấp tới 10 lần Thái Lan. Trong khi Việt Nam đại phá đường đua xanh với 10 HCV thì cường quốc số 1 khu vực chỉ giành một HCV. Nỗi đau của bơi Thái Lan càng lớn bởi họ phải ngậm ngùi nhận tới 10 HCB, với tới 5 nội dung thua trực tiếp Việt Nam, chủ yếu là thua Ánh Viên.
Trong số các môn truyền thống hay thế mạnh mới thuộc nhóm Olympic của 2 nền thể thao vốn luôn có sự ganh đua quyết liệt, bơi là môn duy nhất Việt Nam giành chiến thắng, thậm chí còn đại thắng Thái Lan.