Lăn lộn "bở hơi tai" như phóng viên ở Tú Làn Adventure Race 2017
Tú Làn Adventure Race 2017 thành công trên cả mong đợi. Ngoài sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức của Oxalis, sự tham gia hết mình của 100 VĐV thì sự năng nổ, không ngại khổ ngại khó của đội ngũ phóng viên báo đài, media đã truyền tải những video clip, hình ảnh chân thực, sống động về giải.
Theo chân 100 VĐV vượt thử thách Tú Làn Adventure Race 2017
Webthethao.vn với tư cách là đơn vị bảo trợ truyền thông cho giải Tú Làn Adventure Race 2017 đã cử 3 người đến xã Tân Hóa. Nhóm tác nghiệp của Webthethao đến trước các VĐV 2 ngày để tìm hiểu đường đua, nội dung thi của các đội, thành phần các đội để từ đó lên kế hoạch “tác chiến” với mục tiêu mang lại thông tin hấp dẫn nhất, nhanh nhất về cuộc đua kỳ thú ở Quảng Bình.
Những người được lựa chọn phải có thể lực tốt, có sự hiểu biết nhất định về môn thể thao mạo hiểm để có thể "đu bám" các VĐV, những người đã tập luyện chăm chỉ trong suốt nhiều tháng qua.
Anh Hải Đăng, PV ảnh của Webthethao.vn cho biết: "Các VĐV khi thi đấu mang đồ rất gọn nhẹ. Các phóng viên thì phải mang theo đồ đạc rất lỉnh kỉnh. Di chuyển tay không trong rừng đã khó, việc phải mang phương tiện tác nghiệp vừa di chuyển vừa theo VĐV vừa phải bảo đảm máy móc không hư hại thì khó khăn hơn rất nhiều".
"Mặt khác trong 2 ngày diễn ra sự kiện, trời mưa liên tục. Việc phải theo VĐV chạy và bơi trong hang tối vô cùng khó khăn. Đặc biệt là chúng tôi phải liên tục gửi bài, ảnh trực tiếp về toà soạn cũng gặp nhiều trở ngại vì không có mạng, không có máy tính, phải sử dụng chủ yếu bằng điện thoại".
"Phóng viên nhiều khi bị trượt ngã liên tục. Người chơi thuộc các team có bị ngã sẽ được các thành viên khác giúp đỡ nhưng phóng viên phải tự lực cánh sinh để vượt qua".
Tuy vất vả là vậy song anh Hải Đăng cho rằng đây là trải nghiệm hiếm có trong cuộc đời: "Tôi rất ấn tượng với thiên nhiên hùng vĩ của Tú Làn, với sông Rào Nan, các dãy núi cùng hệ thống hang động có một không hai tại đây. Được tác nghiệp tại một nơi đặc biệt như ở đây là một trải nghiệm hiếm có trong đời làm nghề của mỗi phóng viên".
"Bên cạnh đó, sự cởi mở và chân thành của người dân Tân Hoá đối với các đội đua, với các phóng viên. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây rất cao. Họ hiểu rằng chỉ có vậy mới giữ gìn cho con cháu nguyên vẹn nhất một trong những tuyệt tác đẹp nhất của tự nhiên - thiên đường hang động Tú Làn".
Xem clip PV Webthethao và Đài TH Quảng Bình đội mưa đi theo các thuyền đua:
"Công tác tổ chức của BTC rất tốt với số lượng người tham gia, số porter rất hùng hậu. Mọi người đều rất dễ mến, nhiệt tình hướng dẫn các đội cùng các phóng viên, sẵn sàng giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc".
Chị Ngọc Huỳnh, PV của VTV9 thực hiện chương trình X-Show, người đồng nghiệp và cũng là người đồng hành trên "con đường gian khổ" 19km sông Rào Nan và 17km đường núi rừng với các PV Webthethao từ đầu tới cuối cho biết: “Thông thường ở một chương trình truyền hình thực tế, ekip của chúng tôi đi làm tới gần 20 người".
"Nhưng lần này, việc lựa chọn người làm cũng phải kiêm nhiệm đủ thứ. Chúng tôi chỉ được đi 5 người nên điều kiện là ai cũng phải có thể lực tốt, phải biết quay phim và biết làm kỹ thuật âm thanh, biết phỏng vấn, thậm chí MC vừa dẫn vừa quay, vừa bay flycam".
"Chúng tôi phải có một buổi tập huấn các thành viên biết sử dụng máy móc, Gopro, flycam, máy quay. Ngay khi có sơ đồ của đường đua, chúng tôi phải nghiên cứu và lên phương án bố trí người sao cho có thể quay hết quãng đường. Ai có thể lực tốt thì cắm ở khu đường bằng vì những lúc vậy VĐV chạy rất nhanh. Người yếu sẽ không theo kịp.
"Ở những đoạn vượt núi thì phải bố trí người xuất phát trước lên đỉnh để quay. Hay tìm hiểu cách và tập di chuyển xuống các đoạn như dốc Lồm Cồm cho nhanh, để vừa cầm máy, vừa quay mà không bị ngã".
Các cameraman đi tới các check point sớm và tự mình khảo sát cung đường trong hầm ướt, sau đó ngồi chờ VĐV đến nên rất lạnh.
"Ở ngày thi đầu tiên, các đội phải thi chèo thuyền. Vì không biết thuyền nào (do các đội phải giải mật thư để chọn số thuyền - PV), nên tới sát giờ chúng tôi vẫn chưa gắn Gopro lên được thuyền. Trong lúc thuyền ra nước, một thành viên phải lội ra nước tranh thủ gắn, nhưng Gopro bị rơi ra".
"Do tranh thủ các bạn xuống thuyền để qua bãi cạn, tôi phải lao xuống sông bơi ra sửa lại camera, nhưng nhằm lúc nước siết bị rơi mất cái máy. Báo hại tôi và 2 bạn cứu hộ mất tới 30 phút lặn tìm. May là khi bắt đầu nản bỏ cuộc thì lại mò được. Cả quãng đường hôm đó, tôi lạnh run người”.
Xem clip phóng viên Webthethao trầy trật với đường dốc, trơn trong rừng: