VĐV Kenya suýt phá kỷ lục thế giới trên đường chạy London
Tối hôm qua (24/4), giải London Marathon 2016 đã diễn ra rất sôi động. Khác với giải Boston Marathon 2016 mới vừa diễn ra, nơi mà các VĐV Ethiopia làm mưa làm gió, các VĐV Kenya đã trả lời bằng sự áp đảo. Trong 6 vị trí tốp đầu ở 2 nội dung Nam và Nữ, Kenya đã có tới 4 đại diện. Giải marathon tại thủ đô nước Anh lần thứ 36 này chứng kiến một kỉ lục mới của giải được xác lập bởi Eliud Kipchoge (Kenya) với thành tích 2 giờ 3 phút 5 giây. Đây là thành tích tốt thứ 2 trong lịch sử. Kipchoge cách kỉ lục thế giới chỉ 8 giây. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, nhà vô địch giải mới bảo vệ thành công “ngai vàng” của mình.
Eliud Kipchoge mới chuyển sang chạy “ngoài đường” kể từ năm 2012 với các cự li bán marathon và marathon. Trước đó, Kipchoge chuyên chạy các cự li trung bình 3000 m và 5000 m. Thành tích tốt nhất của Kipchoge ở cự li 3000 m là 7 phút 27 giây 72, nằm trong top 10 thành tích tốt nhất thế giới. Kể từ năm 2012, thành tích của Kipchoge không ngừng thăng tiến trên đường chạy marathon. Tại giải Berlin Marathon 2014, thành tích 2 giờ 4 phút 5 giây đưa anh trở thành người chạy marathon nhanh thứ 5 trên thế giới. Một năm sau cũng tại Berlin, Kipchoge tiếp tục thiết lập kỉ lục của riêng mình khi rút xuống 5 giây, còn 2 giờ 4 phút.
Kipchoge đã "độc diễn" kể từ dặm thứ 24 (khoảng hơn 38 km) sau khi đối thủ song hành với anh trước đó là Stanley Biwott, VĐV cùng ở đội tuyển Kenya, rớt lại. Trong 4 km cuối, bước chạy của Kipchoge rất mạnh mẽ dù không có đối thủ nào để anh so kè. Kipchoge đã ôm đầu với chút nuối tiếc sau khi về đích vì anh đã ở rất gần ngưỡng kỉ lục thế giới 2 giờ 2 phút 57 giây mà Dennis Kimetto lập được tại Berlin Marathon 2014. "Tôi nhận ra là tôi đang trên đường lập kỉ lục thế giới ở ki-lô-mét thứ 30 nhưng 10km sau đó, tôi đã mất khoảng 20 giây. Dù sao, kỉ lục có thể đến ở lần tới. Tôi rất hạnh phúc vì phá kỉ lục giải lần này. Khán giả 2 bên đường đã thúc đẩy tôi có được thành tích này", VĐV 34 tuổi này phát biểu cảm nghĩ sau chiến thắng.
Stanley Biwott (Kenya) cũng đạt kỉ lục cá nhân với thành tích kém hơn Kipchoge 46 giây (2 giờ 3 phút 51 giây). Kenenisa, người hiện giữ kỉ lục thế giới ở cự li 5000 m và 10.000 m về vị trí thứ 3 với thời gian 2 giờ 6 phút 36 giây. Trong top 10 nam, không có đại diện nào của nước Mỹ. VĐV châu Á duy nhất trong top 20 là Yuki Sato, xếp vị trí thứ 11.
Mạnh hơn sau mỗi lần vấp ngã
Ở nội dung của nữ, Jemima Sumgong cũng đã giành chiến thắng ấn tượng sau khi chị đã ngã trên đường chạy ở dặm thứ 23, tức là khi cách chỉ còn cách đích khoảng 5 km. Sumgong có vẻ khá đau sau cú “díu chân nhau” với Aselefech Mergia (Ethiopia) nhưng vẫn gượng dậy bắt kịp, không để các đối thủ cắt đuôi dễ dàng.
“Bạn sẽ có thêm sức mạnh để đứng lên sau mỗi cú vấp ngã”. Sumgong đã "gom" đủ sức mạnh sau nhiều thất bại trong những năm vừa qua và sau cả cú ngã điếng người trên đường đua marathon, giữa muôn trùng vây của 5 nữ VĐV hàng đầu khác, trong đó có đương kim vô địch Tigist Tufa (Ethiopia).
Đây cũng là chiến thắng lớn đầu tiên đầy ngọt ngào của Jemima Sumgong ở đường chạy marathon. Trước đó, Sumgong đã vài lần ngậm ngùi nhìn người khác đứng lên bục cao nhất khi là Á quân ở các giải lớn thuộc hệ thống 6 World Marathon Majors: Boston, Chicago, New York và chỉ đứng thứ 4 ở giải World Championship năm ngoái.
Đường chạy của London Marathon được đánh giá là bằng phẳng. Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho các VĐV chạy để lập các kỉ lục thế giới, kỉ lục giải cũng như kỉ lục cá nhân. Trong lịch sử London Marathon, khán giả từng được 4 lần chứng kiến kỉ lục thế giới chạy marathon bị phá tại đây. Hai lần gần nhất là 2 giờ 5 phút 38 giây ở nội dung Nam năm 2002 và 2 giờ 15 phút 25 giây ở nội dung Nữ năm 2003.
Rõ ràng, các VĐV hàng đầu thế giới có sự tính toán nhất định để chọn lựa tham dự các giải marathon có thời gian gần nhau như Boston và London Marathon. Boston Marathon danh giá nhất thế giới nhưng London Marathon có chút ít lợi thế để các VĐV đạt thành tích tốt nhất.
Giải năm nay có 39.698 VĐV tham gia. Rất tiếc, không có đại diện nào của Việt Nam.