Môn vật Việt Nam: Nguy cơ thua vì… chuyên gia Việt
Năm 2007, dù chỉ được đăng ký 12 trên tổng số 21 nội dung song ĐTVN vẫn “gặt” tới 10 HCV, 2 HCĐ.
Thế nhưng tình thế đã rất khác từ 2009 khi Thái Lan vốn chỉ thuộc diện “đàn em” xa của Việt Nam tập trung đầu tư cho môn vật, với cách làm rất riêng. Khác với Việt Nam ôm đồm, dàn trải ra cả ba loại hình vật cổ điển nam, vật tự do nam, vật tự do nữ, họ gần như chỉ ưu tiên cao độ cho vật nữ, với mục tiêu rất rõ ràng: Tranh huy chương châu Á và suất Olympic.
Hiện tại, cựu HLV trưởng ĐTQG Trần Đình Hưởng và đô vật từng dự Olympic 1980 Phí Hữu Tình đang làm việc tại đây, với mức lương “cứng” 600 USD/tháng. Cùng đó, Thái Lan cũng đã tích cực vận động để đưa thành công người của mình vào Liên đoàn Vật châu Á, giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á, thay cho chính ông Phó Chủ tịch cũ là đại diện của Việt Nam (Nguyên Trưởng bộ môn vật Tổng cục TDTT Lê Ngọc Minh).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với đà này chỉ thêm một thời gian nữa, Thái Lan sẽ qua mặt Việt Nam ở cả “mỏ Vàng” vật, chí ít là ở đấu trường châu lục và Olympic. Việt Nam vẫn có thể áp đảo tại “hội làng” SEA Games song sẽ thua người Thái ở tầm cao hơn. Và thực tế, vật Thái Lan cũng đã không hề kém cạnh gì khi đã đều đặn có huy chương tại các giải châu Á- nơi cả khu vực trước đó duy nhất Việt Nam có thể vươn tới. Họ cũng đang quyết tâm có 1 đến 2 suất tới Olympic 2016 ở vật nữ.
Nguy cơ thua người Thái ngay cả ở môn vật đang hiện hữu, và chắc chắn sớm xảy ra nếu như Việt Nam không thay đổi quyết liệt. Do cách làm gắn với bó buộc kinh phí nên vật Việt Nam đang tự bằng lòng với trình độ, thành tích dừng ở mức SEA Games. Ngay cả vật nữ dù được đưa vào danh sách các môn “trọng điểm nhóm 1” cũng mới chỉ được đầu tư khoảng 20.000 USD mỗi năm cho việc tập huấn, thi đấu quốc tế, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan.
Sỹ Minh