Nghịch cảnh chương trình thi đấu và vòng quay siêu bi hài của SEA Games
Philippines, nước đăng cai và giành ngôi nhất toàn đoàn ở kỳ Đại hội hai năm trước đúng nghĩa đã “nhảy dựng lên” trước chương trình thi đấu 36 môn mà Việt Nam đưa ra cho SEA Games 31. Đơn giản vì trong đó không có 20 môn của SEA Games 30, đều là thế mạnh, thậm chí đặc sản của Philippines. Đơn giản vì Philippines gần như chắc chắn sẽ bị văng xa khỏi Top 3 chứ chưa nói đến bảo vệ ngôi số 1.
Dù Philippines phản ứng quyết liệt song thực chất cũng chỉ lấy lệ. Hai năm trước, tại SEA Games 30, họ cũng loại khỏi chương trình thi đấu phân nửa số môn của SEA Games 29. Như “lệ làng” của sân chơi siêu đặc thù này, vòng quay SEA Games đến nước đăng cai nào, họ toàn quyền quyết định chương trình thi đấu.
Trên thực tế, theo thống kê của giới chuyên môn, sau mỗi kỳ Đại hội, chương trình thi đấu của SEA Games lại biến dạng tới phân nửa, khoảng 40-50%. Điều đáng nói, sự thay đổi này không theo bất cứ tiêu chí nào, mà do nước đăng cai toàn quyền quyết định. Lý do “điều kiện không cho phép” luôn được đưa ra để che giấu sự thật làm mọi cách để có lợi nhất cho mình, đồng thời triệt tiêu ngay từ đầu sức mạnh chủ yếu của các đối thủ cạnh tranh chính.
SEA Games mang danh đấu trường thể thao lớn nhất khu vực phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào nước đăng cai. Philippines đã “tận dụng” và “phát huy” một cách tối đa điều này ở hai kỳ SEA Games gần đầy mà họ đăng cai 1991 và 2019. Chính Việt Nam đã từng thực hiện vòng quay này một cách hoàn hảo ở SEA Games 2003 trên sân nhà. Thái Lan hay Malaysia dù tuyên bố rất hào sảng nhưng khi “vào vai” cũng chứng tỏ mình “không phải dạng vừa”.
Các nước chủ nhà SEA Games luôn thay phiên nhau đi tiếp vòng quay bi hài, vòng quay của căn bệnh thành tích thời vụ theo đúng một cách.
Cả làng thể thao khu vực đều quá hiểu và quá quen với những vấn nạn, nguy cơ cùng hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của một sân chơi xoay quanh vòng quay của căn bệnh thành tích ngày càng nặng. Các nhà quản lý, chuyên gia của nhiều nước đã đặt ra vấn đề đổi mới để “cứu vãn” đấu trường đã qua 30 lần tổ chức nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy.
SEA Games vẫn chưa thoát khỏi sự sai lệch từ gốc khi không thống nhất được một chương trình thi đấu khung theo chuẩn Olympic và ASIAD. Nó gắn với sự mờ nhạt của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, việc trao quyền gần như tuyệt đối cho nước chủ nhà cùng khoảng cách và khác biệt trong phát triển của các nước.
Và các Hội nghị Liên đoàn Thể thao khu vực do nước chủ nhà SEA Games tổ chức, dù có rất nhiều nội dung song thực chất chỉ “nóng” chuyện đấu tranh để thêm môn này, nội dung kia.
So với các kỳ Đại hội trước, chương trình SEA Games 31 gồm 36 môn mà Việt Nam đưa ra có vẻ “ổn” nhất, với sự ưu tiên đặc biệt cho các môn, nội dung Olympic và ASIAD. Tuy nhiên, có thể khẳng định sự thay đổi cũng chỉ cải thiện phần nào.