Nghịch cảnh xe trăm triệu, thu nhập vài triệu của các cua rơ Việt Nam
Xe đạp vốn là môn thi đấu khắc nghiệt bậc nhất trong số các môn thể thao. Hằng ngày, các VĐV phải đối diện với nắng, mưa, gió cùng những mối hiểm nguy rình rập trên các cung đường. Ở đó, họ phải “nuốt” khối lượng bài tập thể lực với cự ly lên đến hàng trăm km. Những cung đường bằng phẳng, đồi dốc hay địa hình đều là “bạn” với những cua rơ.
Với sự khắc nghiệt đó, để chinh phục thiên nhiên cũng như chính khả năng của mình, các cua rơ có sự đầu tư tương xứng. Những chiếc xe đạp là bạn tri kỷ, là vật bất ly thân với chính họ. Để có thể chinh phục đỉnh cao, các cua rơ phải trang bị cho mình những “chiến mã” tốt, đủ sức để xuyên qua cả hành trình dài.
Từ đó, những dòng xe có giá trị đến cả hàng chục; thậm chí hàng trăm triệu đồng được họ tìm đến. Ví như ở SEA Games 30, cua rơ hàng đầu của xe đạp Việt Nam, Nguyễn Thị Thật sắm chiếc xe Trek Madone 9.0 bản 2018 màu vàng. Trên thị trường, giá xuất xưởng của chiếc xe đạp này lên tới 5000 USD (khoảng 115 triệu đồng).
Đây là dòng xe được ưa chuộng với các VĐV chuyên nghiệp trên thế giới chuyên về đường trường. Giá xe chuyên dụng mà các cua rơ Việt hàng đầu đang sử dụng dao động từ 100- 200 triệu đồng/chiếc.
Với các VĐV cấp tỉnh hay mới thi đấu năng khiếu, họ cũng phải sắm chiếc xe chất lượng hoặc cũ. Giá thành cũng dao động lên đến vài chục triệu. Ở ĐTQG, các cua rơ hầu hều đều trang bị cho mình “chiến mã” có giá thành cả trăm triệu, không thua kém các VĐV đẳng cấp châu lục và thế giới.
Hàng trăm triệu cho một con xe là một nỗ lực với các cua rơ. Thế nhưng, đáp lại, họ có mức thu nhập không thực sự tương xứng; thậm chí là quá “bèo”. Đó là sự đối lập với cường độ tập luyện vất vả, sự khắc nghiệt, hiểm nguy trên mọi cung đường.
Ở Việt Nam, Nguyễn Thị Thật chính là cua rơ đang có thu nhập cao nhất. Tay đua gốc An Giang đầu quân cho đội Lotto (Bỉ) với bản hợp đồng có thời hạn một năm tính từ đầu năm 2019.
Ngoài mức lương 2.500 euro/tháng (khoảng 65 triệu đồng), Thật được hỗ trợ chỗ ở, chi phí di chuyển nhưng sẽ phải lo chi phí ăn uống. Với các cua rơ Việt Nam, đó là mức lương mà họ luôn mơ ước. Thế nhưng, so với mức sống cũng như mức thu nhập ở Bỉ, đây là mức lương không quá cao.
Dẫu vậy, Nguyễn Thị Thật luôn là tấm gương để mọi cua rơ hướng đến. Cô vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp. Bởi thực tế, mặt bằng chung thu nhập của các VĐV xe đạp chỉ trên dưới 5 triệu. Ngay cả các tuyển thủ quốc gia cũng chỉ khoảng 10 triệu. Cũng chỉ có một số ít ngôi sao có thêm ít tiền thưởng, qua các giải đấu trong nước, hầu hết đều rất thấp. Họ chủ yếu thi đấu ở giải trong nước và rất hiếm khi có cơ hội tranh tài ở các tour đấu quốc tế.
Thể thao luôn là sự đánh đổi. Dẫu nhiều gian khó, hiểm nguy rình rập nhưng các cua rơ vẫn miệt mài cùng “chiến mã” trăm triệu để một ngày nào đó, làm rạng danh cho thể thao nước nhà ở sân chơi quốc tế.