Nguyễn Thị Lụa lần thứ 2 tới Olympic: Nước mắt ngọt ngào
8 năm mất 4 HCV SEA Games
Trong lịch sử tham dự SEA Games, không có tuyển thủ Việt Nam nào phải chịu nhiều ấm ức như cô gái đất vật Hà Nội này. Lụa sớm đạt tới đẳng cấp vô đối so với các đối thủ cả trong nước lẫn khu vực nhưng lại luôn không có duyên với đấu trường nhỏ. Tính đến SEA Games 2015, chị coi như đã bị mất trắng 4 tấm HCV ở 4 kỳ SEA Games vì đủ các lý do.
Nghịch cảnh bắt đầu từ SEA Games 2007 khi Lụa sớm thể hiện sự vượt trội với một đồng đội cùng hạng cân 48 kg nhưng đến khi công bố danh sách dự SEA Games ở Thái Lan lại không có tên. Nhìn cảnh đồng đội dễ dàng đăng quang ở SEA Games khi đó, Lụa phải một mình khóc thầm với nỗi ấm ức khó giải tỏa.
Vận đen SEA Games không ngừng đeo bám Lụa trong 2 kỳ Đại hội 2009 và 2011 do nội dung này không được tổ chức. Đen nhất là tại SEA Games 2009 khi các đối thủ nhìn thấy Lụa đăng ký ở hạng 48 kg đều “bỏ chạy” lên đăng ký ở hạng 51 kg khiến hạng cân này phải hủy bỏ. Lụa đau đớn khóc một mình bên cạnh NTĐ khi thấy công sức tập luyện cả năm của mình phải “đổ xuống sông, xuống biển”.
Phải đến mãi SEA Games 2013, Lụa chuyển lên thi đấu ở hạng 51 kg để… “giải đen” và thành công với quyết định này. Dù phải đôn lên 3 kg nhưng đấu trường Đông Nam Á vẫn quá nhỏ so với tài năng của Lụa nên thắng tuyệt đối tất cả đối thủ ở cùng hạng cân, trong đó có trận chung kết chỉ mất đúng 33 giây.
Thế nhưng sự đen đủi vẫn không tha Lụa bởi SEA Games 2015, nước chủ nhà Singapore lại loại cả môn vật ra khỏi chương trình thi đấu. Nhà ĐKVĐ tuyệt đối một lần nữa ngậm ngùi chấp nhận nỗi đau khôn tả.
Suất Olympic của nước mắt ngọt ngào
Bi kịch SEA Games kéo dài theo cách rất khó tin đó có thể đánh gục bất cứ VĐV nào song lại trở thành một động lực mãnh liệt để Nguyễn Thị Lụa vượt lên. Cứ sau mỗi lần đau, Lụa lại mang về cho bản thân và thể thao Việt Nam một chiến tích ngoạn mục.
Chỉ 10 tháng sau khi ngồi khóc trên đất Lào ở SEA Games 2009, Lụa đã đoạt tấm HCB lịch sử tại ASIAD 2010, thậm chí nếu có thêm may mắn, đó đã là một tấm HCV. Tương tự như thế, việc mất cơ hội lấy HCV SEA Games 2011 do nước chủ nhà không tổ chức đã được Lụa bù đắp bằng một suất Olympic 2012, cũng là lần đầu tiên một đô vật Việt Nam tới đấu trường đỉnh cao nhất nhờ vượt qua vòng loại.
Và chiến tích đó được Lụa tái tập đầy ngọt ngào khi vừa lần thứ hai liên tiếp đoạt vé tới Olympic sau một kỳ SEA Games 2015 phải ngồi nhà.
Với Lụa, 2 suất Olympic cũng như tấm HCB ASIAD là sự kết đọng đầy ngọt ngào của cả một hành trình đầy nước mắt. Đơn cử khi BTC SEA Games 2015 công bố loại môn vật, dù phần nào đã phải quen và dự đoán trước song Lụa vẫn hụt hẫng đến mức mất ăn ngủ mất cả tuần trời. Thế nhưng sau đó, chị lại lao vào tập luyện như điên, ngoài mục tiêu đoạt một suất tới Olympic 2016 tranh tài còn là một quyết tâm phải thành công để chứng tỏ với cả làng thể thao Đông Nam Á.
Để tạo nên được kỳ tích tại vòng loại Olympic trên đất Kazakhstan vào hôm qua, Lụa đã chấp nhận thay đổi hoàn toàn những thói quen sinh hoạt, tập luyện để đôn lên hạng 51 rồi 53kg, điều khó hơn nhiều lần so với việc giảm cân. Cùng với một số đồng đội thuộc nhóm “mũi nhọn” của ĐTQG vật, Lụa đã trải qua 3 tháng sang Trung Quốc rèn giũa xuyên qua Tết Nguyên đán. Hôm qua, Lụa đã lại khóc, những giọt nước mắt ngọt ngào tuôn rơi.
"Các thầy, các bạn rồi truyền thông đều nói tôi quá đen đủi nên mới như vậy. Không biết đen đủi hay không nhưng tôi luôn tập luyện hết khả năng, bất chấp việc mình có được tham dự giải hay không. Đó mới là điều giúp tôi luôn có thể tự hào và ngẩng cao đầu, chứ không phải những thành tích thuần túy. Dù mỗi lần nghĩ SEA Games, tôi lại rơi nước mắt. Tuy nhiên, đến giờ tôi lại thấy mình phải cám ơn những nỗi đau đó, bởi có lẽ một phần quan trọng nhờ mình biết đứng lên từ đó nên mới có được 2 suất Olympic, 1 tấm HCB ASIAD. Ở Olympic 2012, tôi bị loại ngay từ vòng đầu, tuy nhiên lần này tôi tin và sẽ làm tất cả để điều đó không lặp lại”. Đô vật 2 lần liên tiếp giành suất chính thức tới Olympic Nguyễn Thị Lụa.
Với thành quả xuất sắc mang tên Nguyễn Thị Lụa, TTVN đã có 7 suất chính thức dự tranh Olympic 2016. Trước đó, cử tạ nam đã đoạt 3 suất thông qua xếp hạng đồng đội tại giải VĐQG, bắn súng có 2 suất của Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc, và bơi có một đại diện là Nguyễn Thị Ánh Viên.