Nhật Bản mua phiếu bầu Olympic 2020?
Hôm qua, IOC đã yêu cầu Uỷ ban phòng chống doping thế giới (WADA) cung cấp bản sao báo cáo về doping và tham nhũng của môn điền kinh sau khi có thông tin cho biết có khả năng Nhật Bản đã trả 5 triệu USD gọi là tiền tài trợ để giúp Tokyo giành quyền đăng cai Olympic 2020.
Đây là lý do để IOC buộc phải vào cuộc và kiểm tra xem liệu có hay không việc Nhật Bản hối lộ trong cuộc đua vận động đăng cai Olympic 2020. Trước đó, trong một ghi chú ở bản báo cáo của WADA có ghi rằng, cựu chủ tịch Liên đoàn điền kinh tế giới (IAAF) là Lamine Diack chuẩn bị bán lá phiếu của ông trong cuộc đua vận động đăng cai Olympic 2020 để đổi lấy tiền tài trợ cho các sự kiện của IAAF. Báo cáo này cũng cho biết rằng, Diack - lúc đó vẫn là một thành viên của IOC - đã rút lại sự ủng hộ của ông cho Istanbul bởi vì phía Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trả tiền và quay sang ủng hộ Tokyo sau khi Nhật Bản đồng ý với thỏa thuận.
Ngay lập tức, ban tổ chức Olympic 2020 của Nhật Bản khẳng định những cáo buộc trên là hoàn toàn không có cơ sở, trong khi Uỷ ban Olympic của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Diack không phải là lí do khiến Istanbul thất bại.
Điều kì lạ là trong lúc IOC yêu cầu WADA cung cấp bằng chứng, thì Dick Pound, một thành viên của IOC từng lãnh đạo WADA, lại cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng vào sự trong sạch của cuộc đua vận động đăng cai Olympic 2020. “Chúng tôi đã làm được một khối lượng công việc rất lớn kể từ năm 1999 để đảm bảo điều đó không thể xảy ra," ông Pound nói và ý ám chỉ đến việc IOC đã nỗ lực rất nhiều sau scandal tương tự của thành phố Salt Lake trước đó. "Nếu nó rơi vào những cá nhân, anh không thể ngăn cản được điều đó. Nhưng về mặt tổ chức, tôi không nghĩ có vấn đề gì."
Bằng chứng rõ ràng
Có điều, bản báo cáo của WADA đã đưa ra bản sao về các cuộc trò chuyện giữa một trong những con trai của Diack là Khalil với những quan chức điền kinh của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình vận động đăng cai Olympic 2020.
"Thổ Nhĩ Kỳ không có được sự ủng hộ của LD (Lamine Diack) bởi vì họ không trả tiền tài trợ từ 4-5 triệu USD cho Diamond League hay IAAF," báo cáo có ghi. "Theo bản sao thì phía Nhật Bản đã trả số tiền này…"
Như đã biết, Tokyo đã vượt qua Istanbul với số phiếu áp đảo 60-36 trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng của IOC tại Buenos Aires vào năm 2013. Trước đó,Madrid của Tây Ban Nha bị loại sau vòng runoff với Istanbul.
Về phía Uỷ ban tổ chức Olympic Tokyo, người phát ngôn Hikariko Ono khẳng định “ghi chú trong bản báo cáo của WADA là hoàn toàn không có cơ sở. Olympic được trao cho Tokyo bởi vì thành phố đã làm tốt nhất trong cuộc vận động. Chiến thắng của Tokyo thể hiện cam kết của Nhật Bản trong nỗ lực minh bạch thể thao."
Tuyên bố từ Thổ Nhĩ Kỳ
Cùng lúc, Ugur Erdener, người đứng đầu Uỷ ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ, cũng ra thông báo khẳng định Istanbul không thua bởi vì yêu cầu được cho là đòi tiền tài trợ của Diack.
"Lamine Diack là người đứng đầu IAAF lúc đó và ông ta có thể hy vọng sẽ có tiền tài trợ cho liên đoàn của mình," ông Erdener cho biết. "Ông ta có thể sử dụng lá phiếu cá nhân để ủng hộ cho một thành phố đáp ứng được những kỳ vọng của ông ta. Lamine Diack không có quyền trao Olympic cho bất cứ thành phố nào bởi ông ta chỉ có một lá phiếu. Bởi vậy, sẽ là không đúng nếu cho rằng Istanbul thất bại là vì lá phiếu của Lamine Diack."
Thế nhưng, là thành viên của IOC từ năm 1999 đến 2013 và cũng là một quan chức cao cấp trong làng Olympic, người đàn ông quyền lực từ Senegal vẫn có thể có tác động rất lớn đến cuộc bỏ phiếu của IOC. Cũng nên nói thêm là tháng 11 năm ngoái, Diack đã phải từ bỏ danh hiệu thành viên danh dự của IOC sau khi bị phía Pháp điều tra tham nhũng và rửa tiền liên quan đến scandal doping của điền kinh Nga.
Hay mới đây, tờ The Guardian của Anh đã công bố những email từ một trong những người con trai của Diack là Papa Masata Diack, cho biết các “gói hàng” chuẩn bị được gửi cho 6 thành viên của IOC có liên quan đến cuộc đua vận động xin đăng cai Olympic 2026 của Doha,Qatar.
Không rõ những gói hàng này có được gửi đi hay không, một tháng sau khi email được gửi đi vào tháng 5/2008, Doha đã không có tên trong danh sách những ứng cử viên cuối cùng. Phía IOC có yêu cầu The Guardian cung cấp bản sao những email trên để điều tra nhưng cho tới nay, tờ báo của Anh vẫn từ chối hợp tác.