Những niềm hy vọng Olympic của TTVN: Hà Thanh vẫn mơ, dù là lần cuối
Một suất Olympic trong tầm tay
Hiện tại Phan Thị Hà Thanh vẫn chưa chính thức giành suất dự tranh Olympic. Tại giải VĐTG 2015, tuyển thủ người Hải Phòng đã không thể tái lập được việc giành 1 tấm HCĐ để lọt vào nhóm VĐV đầu tiên giành quyền tới Brazil. Thế nhưng, một tấm vé tới Brazil mùa hè này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Thanh khi VĐV sinh năm 1991 này chỉ phải tranh tài với các đối thủ dưới cơ ở vòng loại vào tháng 4 tới.
Theo giới chuyên môn đánh giá, chỉ cần thi đấu đúng sức, chị sẽ thành công. Và ngay cả trong tình huống xấu nhất, chị cũng gần như chắc chắn được đặc cách nhờ những thành tích quốc tế xuất sắc, nổi bật là 2 tấm HCV Cúp thế giới 2015.
Giống đô cử Thạch Kim Tuấn, Hà Thanh đã mất một năm vật lộn với chấn thương chân dai dẳng. Nó khiến cho phong độ, thể lực của Thanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi vẫn phải “cắn răng cày ải” ở một số giải đấu. May cho Thanh, quá trình điều trị và hồi phục chấn thương đã có bước chuyển biến tích cực đúng giai đoạn quyết định để chị có thể bước vào một cuộc tăng tốc chạy đua cho đích nhắm Olympic.
Dành tất cả cho “cú nhảy cuối cùng”
Nhìn nhận thực tế, kể cả có quyết tâm nỗ lực tới đâu, Hà Thanh cũng khó có thể lấy lại được phong độ đỉnh cao nhất của giai đoạn 2011-2013 vì lý do tuổi tác. Cựu binh sinh năm 1991 khó duy trì được sự sung mãn để đưa bài thi tới mức cao nhất cả về độ khó lẫn chất lượng thực hiện như trước. Tại Olympic 2012, thời điểm được kỳ vọng nhất, Thanh cũng chưa thể giành quyền vào dự chung kết, tương ứng với Top 8 ngay nội dung sở trường nhảy chống.
Tuy nhiên, Hà Thanh vẫn là một gương mặt hiếm hoi của TTVN trên đất Brazil có thể hy vọng giành thứ hạng cao và tạo nên bất ngờ. Trong đó, cơ sở quan trọng nhất chính là việc Thanh đã đạt tới đẳng cấp áp sát nhóm hàng đầu thế giới nội dung nhảy chống, với độ khó gần như ngang ngửa. Nếu tiếp tục nâng cao được chất lượng cùng tính liên hoàn trong thực hiện các động tác, Thanh hoàn toàn có thể mơ làm nên chuyện lớn.
So với 4 năm trước, nhiều mặt bị giảm sút, song Thanh lại có bước tiến vượt bậc về bản lĩnh và sự đột phá. Chị đã từng nhiều lần chiến thắng ngoạn mục không chỉ nhờ năng lực chuyên môn mà còn bởi độ lì, phần nào đó gắn với sự mạo hiểm để tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất. Điển hình như quyết định nâng độ khó ở lần nhảy thứ 2 tại vòng chung kết nội dung nhảy chống đã giúp Thanh có tấm HCĐ lịch sử giải VĐTG 2011.
Hà Thanh có thể không phải gánh áp lực thành tích từ ngành thể thao tại Olympic 2016. Mọi người đều chỉ đặt chị vào đúng tầm mức của một niềm hy vọng. Dẫu vậy, bản thân Thanh lại đang khát khao cháy bỏng về một cuộc bùng nổ cho “cú nhảy cuối cùng” của nghiệp đấu.
"Năm nay tôi đã 25 tuổi, một độ tuổi khá cứng với một môn khắc nghiệt như TDDC. Trước mắt, tôi sẽ ưu tiên tập trung cao nhất cho đích giành một suất chính thức và thi đấu thật tốt tại Olympic 2016, có thể là giải quốc tế cuối cùng của mình. Nếu gặp điều kiện và cơ hội thuận lợi sẽ quyết tận dụng tối đa cho một tấm huy chương. Đó là một giấc mơ, một đích quá khó, và tôi chỉ còn còn 06 tháng nữa để nâng cao, hoàn thiện mình”. Tuyển thủ TDDC Phan Thị Hà Thanh.
Hà Thanh thường xuyên gặp ác mộng trong đêm, đặc biệt là những ngày tập luyện nặng hay thi đấu. Chính những hình ảnh của những bài tập khắc nghiệt, cùng với sự lo lắng khiến giấc mơ tưởng như rất bình thường khi ngủ trở thành ác mộng với chị. Đã không biết bao nhiêu đêm, VĐV có 19 năm gắn bó trọn vẹn với nghiệp TDDC này đã giật mình tỉnh giấc sau những cơn ác mộng trong nước mắt và cảm giác hệt như vừa trải quá một động tác đau đớn, rồi thức trắng đến tận sáng.
Trước SEA Games 2015, Hà Thanh bị sưng phù tủy xương, giãn dây chằng và tràn dịch gối. Chấn thương nặng song vì thành tích của cả ĐTQG và không thể nghỉ để điều trị nên chị vẫn phải “cắn răng” tập luyện, thi đấu. Từ khi dính chấn thương, cứ mỗi khi bước ra thảm đấu là trên người Hà Thanh chi chít những băng gạc phụ trợ. Nhìn những động tác có thể rất đẹp mắt, nhưng mỗi khi tiếp đất, những cơn đau lại nhói lên tận óc mà Thanh vẫn phải cười trước giám khảo, khán giả. Vì sống chung với cái đau nên “mọi thứ rồi cũng buộc phải quen”, như tâm sự thành thật mà rất cay đắng của Thanh.