Phía sau những vụ lùm xùm của bơi TP.HCM: Khi phụ huynh cũng “không phải dạng vừa”
Du học Mỹ là cớ, nhà quản lý thành “tội đồ”
Theo những thông tin được khẳng định “như đinh đóng cột”, trong sự bức xúc cao độ, nguyên nhân chính khiến gia đình Nguyễn Diệp Phương Trâm quyết định cho con chia tay TP.HCM xuất phát từ mâu thuẫn với GĐ Trung tâm Thể thao Dưới nước Yết Kiêu – ông Chung Tấn Phong. Một lý do khác nữa là gia đình muốn đưa con sang Mỹ du học.
Việc du học Mỹ được đẩy lên thành cái cớ mà phụ huynh vịn vào đó để bỏ qua mọi lý lẽ đúng sai. Và ông Chung Tấn Phong cũng trở thành một “tội đồ” với cách thức quản lý độc đoán, cố tình vùi dập, kìm hãm tài năng của Trâm.
Tuy nhiên, đến giờ thì thực tế đã chứng minh, cả lý do du học Mỹ và bản thân ông Phong đều chỉ là cái cớ. Vấn đề sâu xa để gia đình Trâm muốn con ra đi với mức đền bù thấp nhất có thể là có đơn vị khác đang ra sức chèo kéo kình ngư nhí. Thậm chí, người ta còn chỉ ra được đích danh ai đứng ra kết nối và đơn vị nào nhắm tới Trâm. Ngoài ra, còn có một lý do gia đình Phương Trâm muốn kình ngư này được đầu tư đi Mỹ tập huấn dài hạn như siêu kình ngư Ánh Viên nhưng bơi TP.HCM không đáp ứng được.
Tạo “tình huống” giỏi như trong phim
Nguyễn Hữu Kim Sơn chia tay bơi TP.HCM bởi gia đình kình ngư nhí này tìm cách thoát khỏi Trung tâm Yết Kiêu để tìm cho con một môi trường tập luyện tốt hơn. Nhất là khi cách xử lý trả Sơn về tuyến dưới theo kiểu “kỷ luật con vì lỗi của mẹ”như Thể thao 24h từng phản ánh của Trung tâm Yết Kiêu chưa hợp lý hợp tình.
Mục tiêu và thậm chí sự bức xúc rất chính đáng song điều đáng nói, để đạt được nó, phụ huynh đã tạo ra những “tình huống” giỏi như trong phim. Phụ huynh Sơn đã chọn đúng thời điểm khi cả ngành thể thao đang nóng bỏng bởi vụ lùm xùm của Phương Trâm, cũng ở đội bơi TP.HCM để “bồi” tiếp việc của con trai.
Đích muốn con được rời TP.HCM một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng cũng được giấu kín. Thay vào đó, gia đình chỉ tập trung “xoáy” vào việc con trai đã khốn khổ, lĩnh hậu quả như thế nào vì bị trả về tuyến dưới. Rồi ngay cả câu chuyện mà theo kết luận của Trung tâm Yết Kiêu là mẹ Sơn đã vi phạm quy cũng được “dựng lại” mà ở đó chỉ thấy các nhà quản lý huấn luyện đã quá cửa quyền và cứng nhắc.
Khác với Phương Trâm giờ đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, Kim Sơn đã được ngành thể thao TP.HCM cho “ra tuyến” mà không mất một đồng phí đền bù nào. Ai cũng hiểu, trong “tâm bão”, những người có trách nhiệm khó có thể làm khác.
Quản lý chặt cả… phụ huynh
Rõ ràng trong sự vụ đình đám của Phương Trâm và Kim Sơn không chỉ xuất phát đơn thuần lỗi do bên phía Trung tâm Yết Kiêu mà phụ huynh cũng có “dấu ấn” lớn. Họ thấy con em có thành tích thì muốn được tập luyện tốt hơn, được đầu tư nhiều hơn nên tìm mọi cách để ra đi. Bởi bơi TP.HCM đầu tư có lộ trình nên không thể đáp ứng, còn các đơn vị khác lại ra sức chèo nên phụ huynh phải dùng “chiêu trò” để ra đi.
Theo PGĐ Sở VH-TT TP.HCM Mai Bá Hùng, tới đây, ngành thể thao TP sẽ siết chặt lại trong các thủ tục, tuyển đầu vào, làm việc với phụ huynh để tránh tái diễn lại những trường hợp vừa qua. Trong đó, riêng mảng “đầu vào” sẽ làm kỹ ngay từ cấp quận với sự thống nhất, ràng buộc rõ ràng với cả gia đình VĐV chứ không chỉ bản thân VĐV. Ông Hùng cũng nhấn mạnh “Khi thấy con có thành tích cao thì họ lại muốn xen vào chuyên môn, đòi phải tập với thầy này, thầy kia. Bây giờ phần cam kết các phụ huynh của VĐV có ngân sách nhà nước nuôi thì phải có những quy định chung. Phần đầu vào này cần chặt chẽ hơn”.
VĂN NHÂN
Gia đình Phương Trâm đã trình đơn xin nghỉ để cho kình ngư nhí này đi du học nhưng kiên quyết từ chối ký cam kết không tập luyện thi đấu cho đơn vị khác. Sau đó khi mọi chuyện rắc rối, khó có thể dứt điểm thì “ngửa bài” làm đơn xin thanh lý hợp đồng. Trước khi quyết định cho con dứt áo ra đi, gia đình cũng đã đánh tiếng về việc muốn con cũng phải được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn như Ánh Viên song ngành thể thao TP.HCM đã không thể đáp ứng.