Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam: “Chờ đột phá từ xã hội hóa”
Vụ phó Vụ Thể thao tích cao 1 (Tổng cục TDTT) kiêm Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Nguyễn Kim Lan đã nhận định như vậy. Theo bà Lan, kinh phí - gắn với mảng vận động tài trợ - đang là rào cản lớn nhất đối với các môn thể dục.
- Thể thao 24h: Xin được hỏi bà một câu chuyện rất thời sự về mục tiêu giành 2 suất chính thức tới Olympic 2016 của Thể dục dụng cụ mà mọi người đang quan tâm, với nhiều lo lắng?
Bà Nguyễn Kim Lan: Tôi cho rằng Thể dụng dụng cụ (TDDC) Việt Nam có cơ hội lớn để hoàn thành mục tiêu đoạt 2 suất chính thức dự tranh Olympic, tại cuộc đấu loại trực tiếp vào tháng 04/2016, với hai đại diện Hà Thanh và Phước Hưng. Một điểm rất thuận lợi là các VĐV sẽ đấu toàn năng, và chỉ cần thể hiện được đúng trình độ của mình, Thanh - Hưng sẽ lọt vào danh sách 98 VĐV nam và 98 VĐV nữ giành quyền tới Brazil. Tôi cũng hy vọng, hai em - nhất là Hà Thanh - sẽ có làm nên điều gì đó đặc biệt ở đấu trường đỉnh cao nhất này.
- Nếu cần một đánh giá tổng quan về các môn thể dục, bà có thể chia sẻ như thế nào?
Nhìn chung, các môn thể dục đã có bước tiến vượt bậc trong những năm vừa qua. Hệ thống giải gia tăng một cách ổn định, phong trào phát triển rộng khắp, lực lượng VĐV đỉnh cao khẳng định được đẳng cấp hàng đầu khu vực, có một thứ hạng cao châu lục và tiếp cận thế giới.
Trong đó, môn Aerobic của Việt Nam đã có cả HCV thế giới, liên tiếp có HCV châu Á. Mới đây, chúng ta đã đứng đầu giải châu lục trên sân nhà với 10 lần đăng quang. TDDC cũng không kém cạnh gì khi đã có những chiến tích tại Cúp thế giới, ASIAD mà nổi bật là tấm HCĐ lịch sử của Hà Thanh tại giải VĐTG 2011. Dance Sport cũng từng bước tới đỉnh cao nhất châu lục, đoạt thứ hạng cao tại một số giải chuyên nghiệp. Trong nhóm môn này, Thể dục nghệ thuật (TDNT) đang khó khăn nhất, phần nào đó chúng ta mới chỉ cố gắng duy trì.
- Tại sao lại như vậy, khi mà TDNT từng có xuất phát điểm tương đối tốt, từng giành huy chương ngay từ SEA Games 2001?
TDNT Việt Nam đang có rất ít VĐV với trình độ rất thấp. Về mặt khách quan, đây là một môn khó, mang tính đặc thù cao với quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV vô cùng gắt gao. Hệ thống giải đấu thiếu ổn định ngay ở SEA Games. Về chủ quan, chúng ta chưa có sự chăm lo, đầu tư cần thiết, nói chính xác hơn là đang nửa vời. Hiện chỉ có hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM duy trì môn này, với số HLV quanh đi quẩn lại cũng chỉ 3-4 người. TDNT đang rất cần một cú hích.
- Đằng sau những thành quả ngoạn mục, rõ nhất ở môn TDDC, là thực tế các VĐV đã luôn phải vượt khó và chịu khổ. Theo bà, đâu là rào cản lớn nhất để các môn thể dục có thể tăng tốc?
Chúng ta đều biết để tuyển chọn và đào tạo thành tài một VĐV thể dục là hết sức gian khó. Như VĐV TDDC phải tập luyện vất vả theo một quy trình chặt chẽ từ nhỏ, luôn đối mặt với nguy cơ chấn thương, thời gian thi đấu đỉnh cao lại ngắn. Mặt khác, do kinh phí có hạn, việc xuất ngoại tập huấn thi đấu còn nhiều hạn chế. Chưa kể, sự đãi ngộ, điều kiện trang thiết bị dụng cụ và nhất là hỗ trợ của khoa học công nghệ gần như chưa có gì khác biệt.
Nguồn kinh phí eo hẹp thực sự vẫn luôn là vấn đề quyết định và nan giải nhất khi chúng ta vẫn chỉ dựa vào đầu tư có hạn của nhà nước.
Theo tôi, ngoài các giải pháp về chuyên môn, các môn thể dục chỉ có thể đột phá khi chúng ta đẩy mạnh được mảng xã hội hóa.
- Xin cảm ơn bà!
Toàn bộ kinh phí cho việc tổ chức thi đấu, tập huấn trong nước và quốc tế của nhóm môn thể dục (Thể dục dụng cụ, Thể dục nghệ thuật, Aerobic, Dance sport) đều gần như do Nhà nước bao cấp, với khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm thông qua Bộ môn Thể dục (Tổng cục TDTT). Mảng tiếp thị tài trợ của Liên đoàn Thể dục Việt Nam hầu như không tiến triển, khi chỉ vận động được phần nào kinh phí cho giải thưởng ở một số cuộc đấu được xã hội yêu thích, chủ yếu ở Dance sport.
Phong trào Aerobic và đặc biệt Dance sport đang ngày càng nở rộ trên khắp cả nước. Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, vẫn đang mang nặng tính tự phát. Trong tổng kết nhiệm kỳ, Liên đoàn Thể dục Việt Nam thừa nhận đã không có những kế hoạch, biện pháp cụ thể để thúc đẩy, hỗ trợ phong trào phát triển sâu rộng, với một đường hướng chung cần thiết.