Scandal doping của điền kinh Nga: Thảm họa còn ở phía trước
Ngay sau khi Cơ quan chống doping thế giới (WADA) công bố báo cáo điều tra về việc thể thao Nga hậu thuẫn cho các vận động viên điền kinh sử dụng chất cấm, gần như toàn bộ truyền thông thế giới đều đang tập trung ở nước Nga để tìm hiểu và săn lùng những tin tức liên quan tới vụ scandal này. Các phóng viên của tờ Sportmail tại Anh đã tìm ra trụ sở của Trung tâm chống doping đặt tại Moscow, nơi được cho là tâm điểm của vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới.
Hiện tại Trung tâm này đang được quân đội, thậm chí có cả vũ khí hạng nặng canh phòng cẩn mật nội bất xuất ngoại bất nhập và cuộc điều tra vẫn được Chính phủ Nga tiếp tục bí mật trong khu nhà 5 tầng ở số 10 phố Elizavetinsky. Dù vậy không có một dấu hiệu nào cho thấy Grigory Rodchenkov, người bị cáo buộc đã hủy 1.417 kết quả xét nghiệm chất cấm của các VĐV Nga. Vị Giám đốc Trung tâm chống doping của Nga được cho là đã “phù phép” để biến những kết quả từ dương tính sang âm tính và giúp VĐV Nga vượt qua cuộc kiểm tra doping trước khi tham dự các giải quốc tế.
Một vị huấn luyện viên điền kinh chưa được tiết lộ danh tính, người có tới 20 học trò có mẫu thử dương tính với chất cấm, đang phải làm việc với cảnh sát, dựa vào những con số thu được tại phòng thí nghiệm trên phố Elizavetinsky. Không chỉ WADA quan tâm tới cuộc điều tra này, mà ngay cả Chính phủ Nga cũng vào cuộc để tìm ra chân tướng và chứng minh không hề có sự bao che nào hay tiếp tay cho vụ scandal gây rung động thể thao thế giới.
Rõ ràng cuộc điều tra tập trung vào điền kinh Nga không phải chỉ được thực hiện nhất thời mà đã diễn ra từ lâu. Điều đó cũng không hề quá bất ngờ mà có cơ sở khi đến thời điểm hiện tại, “danh sách đen” những VĐV sử dụng chất cấm do Liên đoàn điền kinh (IAAF) lưu giữ thì các VĐV Nga chiếm số lượng nhiều nhất với 43 trường hợp, gấp hơn 4 lần so với điền kinh Mỹ (8 VĐV) chỉ tính trong một năm qua.
Nhưng điều tồi tệ hơn là không chỉ có điền kinh của Nga bị nêu đích danh mà nhiều môn thể thao khác cũng bị đặt trong tầm ngắm, đặc biệt là những môn thi đấu Olympic. Hậu quả của vụ scandal này có lẽ sẽ không chỉ là lệnh cấm thi đấu tại Olympic Rio 2016 hay các sự kiện thể thao khác, mà là uy tín của thể thao Nga sẽ giảm sút nghiêm trọng. Và sẽ không có gì lạ nếu những VĐV của Nga sẽ bị “soi” nhiều nhất ở bất cứ đâu.
Tân Chủ tịch IAAF cũng bị nghi ngờ
Dù là người tuyên bố sẽ chiến đấu tới cùng để loại trừ vấn nạn doping nhưng tân Chủ tịch IAAF Sebastian Coe cũng bị nghi ngờ liên quan đến vụ scandal này. Coe đã có 7 năm làm phó Chủ tịch IAAF dưới quyền của Lamine Diack, vị cựu Chủ tịch bị cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng để lờ đi nhưng vụ dương tính với doping của các VĐV Nga.