Siêu kình ngư Ánh Viên: Kỷ lục gia số 1 của SEA Games
Vượt cả Joscelin và Schooling về số kỷ lục cá nhân
Trước Ánh Viên, huyền thoại Joscelin (Singapore) từng đoạt tới 9 HCV tại SEA Games 1993. Hơn Viên 1 HCV song Joscelin lại chỉ phá 7 kỷ lục, kém tuyển thủ Việt Nam 1 lần tạo cột mốc. Ngay tại SEA Games 2015, một nam kình ngư quốc đảo Sư tử khác, thần đồng Joseph Schooling thậm chí còn đoạt tới 9 HCV cũng là 9 kỷ lục. Tuy nhiên, Schooling chỉ sở hữu 6 kỷ lục cá nhân (cùng 3 kỷ lục đồng đội).
Gần như chắc chắn, ngôi sao đang lên của thể thao Việt Nam sẽ được bầu chọn là nữ tuyển thủ xuất sắc nhất của SEA Games 28, bên cạnh gương mặt nam xuất sắc nhất thuộc về Schooling. Đây sẽ là vinh dự lớn lao mà lần đầu một nữ tuyển thủ Việt Nam có được, trong khi danh hiệu nam đã một lần được trao cho xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường tại SEA Games 2003 (5 HCV, gồm 3 cá nhân và 2 đồng đội).
Gấp đôi 13 kỳ SEA Games của cả bơi Việt Nam
Với SEA Games, chỉ với sự tỏa sáng rực rỡ trên đất Singapore, Ánh Viên sẽ là “tượng đài” hàng đầu. Viên đã thực sự vẽ lại bản đồ làng bơi khu vực, cũng như làm thay đổi hoàn toàn diện mạo, phần nào đó cả nền tảng của bơi Việt Nam. Chỉ mình Ánh Viên đã giúp Việt Nam đứng thứ 2 một cách vững chắc trên BXH môn bơi, sau Singapore và bỏ xa Thái Lan.
Riêng ở bình diện trong nước, chỉ cần qua con số 8 kỷ lục SEA Games cũng đủ thấy tầm vóc quá “khủng” theo kiểu riêng một góc trời của Viên. Đơn giản, số kỷ lục của Viên lần này đã gấp đôi con số 4 kỷ lục của cả 13 kỳ Đại hội trước cộng lại (trong đó đã tính 2 kỷ lục của chính Viên tại SEA Games 2013), cùng với 1 kỷ lục của Hoàng Quý Phước vào năm 2011 và Nguyễn Hữu Việt từ năm 2009.
Đỉnh ASIAD ngay trước mặt, Olympic còn… rất xa
Ánh Viên đã thực sự tạo nên một hiện tượng độc nhất vô nhị của TTVN tại các kỳ SEA Games, trên mọi phương diện: Từ thành tích đột phá, hiệu ứng thể thao và xã hội đặc biệt cho đến sự quan tâm hiếm có của làng thể thao khu vực và quốc tế.
Đúng như đánh giá của các chuyên gia, suy cho cùng, thành tích của Ánh Viên dù cực kỳ xuất sắc song cũng vẫn gắn với tính chất đặc thù của một sân chơi khu vực như SEA Games. Kình ngư 19 tuổi đã không thể phát huy hết khả năng của mình ở hầu hết các nội dung, vì tính chất dàn trải, việc không có đối thủ xứng tầm… Và trên thực tế, các thông số của Viên tại SEA Games đều thua các mức cao nhất mà chị từng đạt tới.
Từ đây, có thể thấy, Viên hoàn toàn có thể vươn tới đỉnh cao nhất của châu lục, cụ thể là ASIAD khi có khoảng 5 nội dung đã lọt vào nhóm có huy chương. Riêng cự ly 400m tự do (4’8’’66) chỉ kém mức HCB ASIAD 2014 là 0,34 giây. Chỉ có điều, đẳng cấp của Viên hãy còn rất xa với Olympic, đơn cử mục tiêu lọt vào Top 8 chứ chưa nói đến việc giành huy chương. Hiện tại, chưa có thông số chuyên môn ở bất kỳ nội dung nào của Viên có mặt trong Top 20 thế giới, thậm chí phần nhiều chỉ ở Top 40-50.
Bởi thế, vấn đề cốt yếu ở đây vẫn là từ nền tảng lý tưởng hiện có, Viên cần phải tiếp tục được đầu tư đào tạo chuyên biệt hơn nữa, để tạo ra được một vài “mũi nhọn” đạt mức hàng đầu châu Á và tiếp cận với thế giới, ví như 400m tự do (đang đứng 25 thế giới) và 400m hỗn hợp (thứ 32).
Hà Thảo