Tấm HCB quý hơn Vàng & Sự may mắn của Xuân Hiền (kỳ 2)
12 năm & 1 niềm hy vọng mong manh
Khi ngành thể thao khởi động chương trình đào tạo mục tiêu quốc gia hướng tới kỳ SEA Games 2003 trên sân nhà với quyết tâm cao cùng nguồn đầu tư “khủng”, riêng môn bơi vẫn bế tắc. Các nhà quản lý huấn luyện môn này chưa thể tìm ra một nhân tố mới như Kiều Oanh, hay một cự ly nào đó có thông số tiệm cận với mức HCĐ SEA Games.
Trong tình cảnh bó tay hoàn toàn, bất ngờ xuất hiện một nhân tố mới 15 tuổi Trần Xuân Hiền đến từ đất bơi Quảng Bình có thể hình thể lực lý tưởng, đặc biệt phù hợp với bơi ếch. Ngay tại giải VĐQG đầu tiên của mình, năm 1999, Hiền đã đăng quang 100m ếch sau 1 phút 05 giây, tương đương với hạng 4 SEA Games.
Cả ngành thể thao mừng như bắt được vàng, vì hiểu rằng sau 12 năm trở lại với SEA Games, lần đầu Việt Nam có hy vọng, dù vô cùng mong manh. Nhất là khi mặt bằng chung làng bơi ĐNÁ giai đoạn đó biến động có lợi cho Việt Nam do lực lượng ở nội dung bơi ếch của Singapore, Thái Lan và Indonesia đều đang chuyển giao thế hệ. Các cựu binh đang sa sút còn những gương mặt trẻ cũng chỉ có trình độ ngang ngửa với Xuân Hiền.
Tấm huy chương sau 28 năm chờ đợi
Chính niềm hy vọng Trần Xuân Hiền đã phần nào đó thay đổi cả cách nghĩ, cách làm của môn bơi. Trong suốt 2 năm chuẩn bị cho SEA Games 2001, tài năng trẻ này đã được đầu tư theo cách tương đối chuyên biệt, do HLV giỏi nhất nước lúc bấy giờ là Đỗ Trọng Thịnh kèm cặp riêng, được tập huấn nước ngoài thường xuyên, theo các đợt khác nhau. Chế độ dinh dưỡng, thuốc men dành cho Hiền cũng tốt hơn hẳn các tuyển thủ khác.
Đến cuộc đấu trên đất Malaysia, không chỉ môn bơi mà cả lãnh đạo đoàn TTVN đều nín thở chờ màn trình diễn quyết định của Xuân Hiền ở cự ly 100m ếch. Nỗi lo lắng đã đè nặng sau khi Hiền thi xong vòng loại, dù lọt vào chung kết song văng xa khỏi 3 thứ hạng đầu. Và lần xuống nước của kình ngư 17 tuổi ở chung kết với bơi Việt Nam dài như cả thập kỷ, giống như cơn khát huy chương tưởng chừng như vô vọng.
Hiền đã xuất phát không thật tốt, quá nửa hành trình chỉ bơi ở vị trí thứ 4 và thứ 3. Tuy nhiên, nhờ cú tăng tốc mãnh liệt trong đoạn cuối, tuyển thủ quê Quảng Bình đã bứt lên rồi chạm đích thứ 2, với 1 phút 04 giây 94, bị hai đối thủ phía sau bám sát sàn sạt.
Bản thân Hiền cùng cả ĐTQG bơi, lãnh đạo đoàn TTVN khi ấy đều rơi nước mắt trong niềm vui vỡ òa. Thông tin Việt Nam đã giành huy chương môn bơi bay về trong nước đã tạo nên một cơn địa chấn, hệt như thời điểm võ sỹ Taekwondo Trần Hiếu Ngân lập kỳ tích tại Olympic 2000.
Môn khó nhất, yếu nhất của TTVN cuối cùng đã giành tấm huy chương lịch sử kể từ SEA Games 1989, đồng thời giải cơn khát 28 năm đằng đẵng của bơi Việt Nam.
HÀ THẢO
Trần Xuân Hiền không chỉ giành huy chương đầu tiên sau 6 kỳ Đại hội tái hội nhập mà còn giải cơn khát 28 năm đằng đẵng của bơi Việt Nam.
Trần Xuân Hiền là tuyển thủ đầu tiên và duy nhất của TTVN chỉ giành HCB ở sân chơi khu vực được bầu chọn vào Top 3 tuyển thủ tiêu biểu nhất năm.
Bơi ếch trở thành “lối ra” duy nhất
Sau tấm HCB cực kỳ quý giá của Xuân Hiền, bơi Việt Nam mới có thể bắt đầu tự tin trong hành trình hội nhập quốc tế. Tất nhiên, tầm mức đặt ra cũng chỉ đơn giản là giành huy chương ổn định tại các kỳ SEA Games.
Cách nghĩ cách làm của cả môn bơi cũng chuyển theo trường hợp của Hiền, có nghĩa là tập trung cao độ cho một vài nội dung mà Việt Nam có khả năng tranh chấp.
Cũng kể từ đó, bơi ếch, cụ thể là cự ly 100m, trở thành “lối ra” duy nhất. Bởi Việt Nam có trong tay một số kình ngư sở hữu tố chất, sự phù hợp tốt, đạt tới trình độ nhóm đầu khu vực. Dù sau đó, vì nhiều lý do, Xuân Hiền đã đánh mất mình nhưng bơi Việt Nam đã tạo nên được một vài nhân tố mới, nổi bật với Nguyễn Hữu Việt – kình ngư sẽ giúp môn khó và khổ này có một bước đột phá mới ngoạn mục.
Đón đọc kỳ 3: 40 năm mới có một “Vua ếch” Hữu Việt.