Thể thao Việt Nam 2019: Bộn bề thử thách trong “năm bản lề”
Công tác quản lý Nhà nước về TDTT: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao là “điểm tựa” quan trọng nhất!
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, một điểm nhấn quan trọng trong nội dung của Luật là đã đón đầu những xu thế phát triển mới (bao gồm cả “Đặt cược thể thao” với những quy định căn bản), đồng thời chặt chẽ, rõ ràng hơn trong thể thao chuyên nghiệp; “mở” hơn đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TDTT (doanh nghiệp và hộ kinh doanh); thoáng hơn trong xã hội hóa TDTT và cụ thể hơn trong phát triển thể thao trong học đường.
Cũng liên quan tới triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, trong thời gian qua, Nghị định về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao đã được ban hành, qua đó sẽ tạo thêm cơ chế cũng như động lực cho lực lượng thể thao thành tích cao của Việt Nam. Nghị định về hướng dẫn chi tiết cũng đã được xây dựng và hoàn thiện, chờ Chính phủ phê duyệt... Dù vậy, để Luật có thể thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực và hiệu quả thì trước tiên cần có sự triển khai một cách đồng bộ, từ trung ương tới địa phương và bằng nhiều “kênh” khác nhau để tới với công chúng.
Thể thao thành tích cao: Điểm nhấn SEA Games 30 và vòng loại Olympic Tokyo 2020
Một thử thách rất lớn đối với đoàn TTVN tại SEA Games 30 ở Philippines (từ 30/11-11/12) đã được chỉ ra là chúng ta dự kiến chỉ tham dự 28 môn thể thao, tức tương đương một nửa so với số môn dự kiến (56) được tổ chức tại kỳ Đại hội này (một kỷ lục trong lịch sử của các kỳ SEAP Games cũng như SEA Games suốt 60 năm qua). Không những thế, nước chủ nhà cũng đã cho thấy ý định loại bỏ rất nhiều nội dung thế mạnh của TTVN. Những tranh cãi về môn điền kinh mới đây là một minh chứng. Bởi vậy, chỉ tiêu giữ vững vị trí trong tốp 3 của đoàn TTVN tại SEA Games năm nay chắc chắn sẽ hết sức khó khăn. Dù vậy, Tổng cục TDTT vẫn quyết tâm phấn đấu thực hiện, đồng thời với việc tiếp tục công tác đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Olympic.
Song song với SEA Games 30, một loạt các đội tuyển thể thao nước nhà sẽ phải làm nhiệm vụ thi đấu tại Vòng loại Olympic Tokyo 2020. Trước khi hướng tới cái đích giành huy chương ở thế vận hội thì mục tiêu căn bản là giành càng nhiều suất tham dự càng tốt (như tinh thần chung của Olympic là “tham dự hơn huy chương”). Một mặt, ngành TDTT cũng cần dốc toàn lực, dành sự ưu tiên cao nhất cho các VĐV trọng điểm, hướng tới mục tiêu có thể giành huy chương ở Olympic kỳ này. Một thử thách lớn đã được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác ngành TDTT năm 2018 vừa qua: Giành 2 HCV trở lên!
Cũng trong năm nay, Tổng cục TDTT và các Liên đoàn – Hiệp hội thể thao quốc gia phối hợp với các địa phương sẽ tổ chức 194 giải đấu thể thao trong nước và quốc tế, 45 lớp tập huấn trọng tài và HLV. Đặc biệt, môn bóng đá đã rất thành công, tạo tiếng vang lớn trong năm 2018 sẽ tiếp tục được gửi gắm nhiều hy vọng: Các đội tuyển quốc gia thi đấu tại Asian Cup (đang diễn ra), SEA Games 30; và các giải bóng đá chuyên nghiệp cần tiếp tục tiến hành đổi mới nhằm nâng cao “chất chuyên nghiệp”.
Cần phát huy hơn vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT
Để phát huy tiềm năng cũng như sự chủ động, tăng thêm nguồi tài chính cho các môn thể thao, ngành TDTT sẽ tăng cường chỉ đạo về mặt chuyên môn, giám sát hoạt động của các Liên đoàn – Hiệp hội thể thao quốc gia (đặc biệt là đôn đốc việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ); rà soát lại công tác vận động, và tích cực chuẩn bị cho việc thành lập thêm một số Liên đoàn – hiệp hội mới.
Có một thực tế, theo thống kê của Tổng cục TDTT, trong 28 Liên đoàn – hiệp hội thể thao quốc gia về các đơn môn hoặc nhóm môn hoạt động trong thời gian qua thì chỉ có 10 Liên đoàn, hiệp hội đạt mức thu trên 2 tỷ đồng/năm. Một số Liên đoàn, hội có mức thu thấp (dưới 1 tỷ đồng/năm), đương nhiên không thể đủ kinh phí để đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động liên quan. Khoảng một nửa trong số các Liên đoàn – Hiệp hội thể thao quốc gia thậm chí không có trụ sở, không có hoặc thiếu trầm trọng bộ máy hoạt động chuyên trách; nhiều Liên đoàn không đảm bảo họp thường xuyên, không phát huy được chất xám của các ủy viên Ban chấp hành... Nói cách khác là thực trạng “thành lập cho có” và tồn tại gần như lay lắt, rất cần được rà soát, củng cố lại!
Theo dự kiến đã được nêu trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, thì tới năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 40 Liên đoàn – Hiệp hội thể thao quốc gia. Một số ban vận động thành lập các Liên đoàn – Hiệp hội trong thời gian qua không hoạt động tốt, dẫn tới chậm chạp trong tiến trình thành lập. Nhưng việc gia tăng về SỐ LƯỢNG các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT liệu có kèm theo CHẤT hay không thì rõ ràng cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm, cần được chú trọng hơn từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước trong năm nay.
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG LỚN VÀ SỰ KIỆN THỂ THAO QUỐC TẾ TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM TRONG NĂM 2019
* Tháng 2: Giải Ván diều và đua thuyền quốc tế (Phan Rang, Ninh Thuận)
* Từ 9-19/3: Giải cờ vua quốc tế HDBank lần thứ 9 (tại TPHCM).
* Tháng 4: Hoàn tất Đề án đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Việt Nam (Hà Nội là địa phương tổ chức chính, phối hợp với một số tỉnh/thành lân cận).
- Giải Billiard Carom châu Á (TPHCM).
* Tháng 5: - Giải Carom 3 băng cúp thế giới (TPHCM).
* Đẩy mạnh đưa Võ cổ truyền vào học đường (Phối hợp với ngành GD&ĐT) và tiếp tục các hoạt động thuộc chương trình “Bơi an toàn, phòng chống đuối nước”. Dự kiến tổ chức “Ngày hội xuống nước” vào tháng 5.
* Tháng 6: Giải vô địch khiêu vũ thể thao Đông Nam Á (Đồng Nai).
* Tháng 7: - Giải VĐ Karate châu Á.
* Tháng 8: - Giải cầu lông quốc tế VN Open 2019 (TPHCM).
* Tháng 9: - Giải xe đạp quốc tế VTV 2019 (Hà Nội).
* 30/11-10/12: SEA Games 30 tại Philippines (VN dự kiến tham dự 28/56 môn).