Tìm suất tới Olympic 2016: Kỷ lục gia điền kinh “trắng mắt”

thứ ba 27-10-2015 22:53:39 +07:00 0 bình luận
Không chỉ chủ nhân của 2 chuẩn Olympic Nguyễn Thị Huyền mà cả làng điền kinh Việt đều “trắng mắt” khi ngôi sao số 1 này coi như hết cơ hội tới Brazil. Môn từng lập kỷ lục giành 11 HCV SEA Games 28 có lẽ chỉ còn chờ 2 tấm vé đặc cách cho một số ít nước… chậm tiến.

Cú sốc của Nguyễn Thị Huyền

Tại SEA Games 28, Nguyễn Thị Huyền đã lập kỳ tích là tuyển thủ điền kinh Việt duy nhất đoạt chuẩn Olympic, thậm chí còn 2 chuẩn ở 2 nội dung 400m và 400m rào. Cũng kể từ đó, cả Huyền và các nhà quản lý huấn luyện của mình mặc nhiên xác định tài năng quê Nam Định giành quyền tới Olympic. Một cách tự nhiên, Huyền đã tự cho phép mình xả hơi dài như thể đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đến nỗi chính ông thầy ruột phải than trời với lá đơn xin nghỉ gửi ngành thể thao, dù chỉ cốt để hù dọa.

Cái sự “đe” của ông Lợi cuối cùng lại trở thành một sự thật phũ phàng với Huyền theo một cách khác. Theo công bố mới nhất, thông số đỉnh cao trên đất Singapore mới chỉ giúp Huyền đứng hạng 77 cự ly 400m và 52 ở 400m rào. Có nghĩa là, nếu không tạo ra một cuộc đột phá mới, chị sẽ không có cơ hội dự tranh Olympic, bởi  BTC chỉ chọn 48 VĐV cho nội dung 400m và 52 VĐV cho 400m rào. Khả năng này với Huyền giờ khó như lên trời vì thể lực, phong độ đã rơi xuống tận đáy mà không cách gì có thể lấy lại “điểm rơi” của SEA Games 28 chứ chưa nói đến việc còn  phải vượt xa. 

Lại chờ 2 suất… đặc cách

Tại Olympic 2012, lần đầu tiên, điền kinh Việt Nam có tới 2 đại diện tham dự nhờ vượt chuẩn, với Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ nữ) và Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ). Dù khá may mắn, rõ nhất trường hợp của Việt Anh với cú nhảy xuất thần song thành quả đó cũng đủ để đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm chậm tiến của môn này.

Thế nhưng, đến giờ, điền kinh Việt Nam đã phải đối mặt với một sự thật phũ phàng khi lại phải trông chờ vào 2 suất đặc cách kiểu khuyến khích dành cho một số nước kém phát triển nhất thế giới.

Ở Olympic 2012, thể thao Việt Nam có 18 tuyển thủ của 11 môn giành quyền chính thức tới dự tranh. Lần này, mục tiêu đặt ra chỉ là phấn đấu có 15 đại diện song vô cùng khó khăn. Đến thời điểm chỉ còn 9 tháng trước Thế vận hội, Việt Nam mới chỉ có 3 người chắc chắn vượt qua vòng loại là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường (bắn súng).

Về lý thuyết, cơ hội hãy còn nguyên song trên thực tế suất Olympic đã quá xa vời với bất cứ niềm hy vọng nào từ các gương mặt đang lên Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh tới những cựu binh Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh, Nguyễn Văn Huệ. Trình độ cùng cách thức chuẩn bị của họ hiện tại đều không thể đảm bảo điều kiện cơ bản nhất là đạt chuẩn, trước khi tính đến chuyện lọt vào danh sách được chọn. Chưa kể, quỹ thời gian còn lại (hạn chót 11/07/2016) quá ngắn, số giải đấu để nâng cao thứ hạng, thành tích cũng chưa nhìn thấy đâu.

Điền kinh Việt Nam đã tham dự đủ 8 kỳ Olympic của thể thao Việt Nam kể từ 1980, trong đó có 7 lần đều theo diện đặc cách. Đến 2012, môn này mới có 2 suất chính thức, do công của Thanh Phúc (đi bộ nữ) và Việt Anh (nhảy cao).

Cú sốc của Huyền cùng hy vọng có suất Olympic 99% tan thành mây khói tiếp tục chứng tỏ tư duy, cách làm “hội làng” thời vụ trước mắt của điền kinh Việt Nam. Những người có trách nhiệm tuyệt nhiên không có một kế hoạch, giải pháp nào cho Olympic. Ngay thời điểm Huyền vuột suất, các nhà quản lý huấn luyện vẫn đang bình chân như vại, như chuyện ở đâu rất xa và chẳng ảnh hưởng gì đến điền kinh Việt Nam.

Đấu trường quốc tế lớn nhất đó có vẻ như chỉ là “muỗi” so với SEA Games 28, nơi ĐTVN gặt cả vài chục huy chương, lĩnh cả tỷ đồng tiền thưởng. 

"Phải nhìn nhận thẳng thắn Nguyễn Thị Huyền giờ rất khó có thể nâng cao thông số để lọt vào nhóm dự tranh Olympic 400m và 400m rào. Tôi cũng chưa nhìn thấy tuyển thủ hay cơ hội nào để điền kinh Việt Nam có đại diện chính thức tới Brazil, ngoài việc chờ nhận 2 suất đặc cách. Và nếu điều đó xảy ra sẽ là một bước lùi đáng buồn so với kỳ Đại hội trước với 2 tuyển thủ vượt qua vòng loại. Xin nói rằng, chuyện có đại diện chính thức, dù chỉ 1 cũng hoàn toàn khác với vé xét vớt. Bộ môn điền kinh sẽ quyết tâm, nỗ lực cho mọi hy vọng còn lại, song có lẽ chỉ mình chúng tôi là không thể đủ.”
Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy.
Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội