Thi đấu Teqball liệu có đủ sống?
Qua việc công bố thu nhập từ tiền thưởng của các VĐV hàng đầu, Liên đoàn Teqball thế giới (FITEQ) xem ra đang khao khát muốn biến môn thể thao "con lai" giữa bóng bàn với bóng đá trở thành chính thống và giúp các VĐV theo đuổi trò chơi mới này có thể kiếm sống bằng nghề.
Dù vậy, tình hình thu nhập của các ngôi sao Teqball hiện nay rõ ràng là quá bèo. Cầu thủ Hungary Adam Blazsovics đang dẫn đầu danh sách thu nhập từ tiền thưởng qua các năm 2018, 2019 và 2020.
Tuy nhiên, Blazsovics - đương kim vô địch thế giới cả 2 nội dung đơn lẫn đôi - chỉ bỏ túi 34.675 đô la (812 triệu đồng) trong danh sách Top 20. Xếp thứ 2 là đồng hương của anh: Csaba Banyik có 30.275 đô la (710 triệu đồng). Cầu thủ Serbia Bogdan Marojevic đứng thứ 3 với 23.450 đô la (550 triệu đồng).
Trong danh sách này, có 3 cầu thủ là nữ: Natalia Guitler (Brazil) hạng 6, Zsanett Janicsek (Hungary) hạng 12 và Maya Umicevic (Serbia) hạng 19. FITEQ khẳng định môn teqball không phân biệt giới tính.
Trong thời gian qua, FITEQ rất nỗ lực cải thiện thu nhập cho các cầu thủ, cụ thể là giải VĐTG 2019 có trị giá 150.000 đô la (3,5 tỷ đồng), tăng 50% so với năm 2018.