Thực trạng bi đát của bóng rổ Việt Nam: 11 năm “nói không” với Đội tuyển Quốc gia (Tiếp)
“Khai tử” ngay sau tấm HCĐ lịch sử
Năm 2004, ĐTQG nữ với một đội hình trẻ đang lên đã xuất sắc giành HCĐ tại giải Đông Nam Á. Đây mới là thành tích quốc tế đầu tiên của môn thuộc hệ thống Olympic mà Việt Nam trước đó luôn đứng cuối cùng ở khu vực.
Tưởng như sau cú hích ngoạn mục ấy, bóng rổ sẽ được tạo điều kiện phát triển tốt, song rốt cuộc lại khủng hoảng nghiêm trọng.
Kể từ đó, cả 2 ĐTQG nam và nữ đã không còn được triệu tập, dự tranh thêm bất cứ giải quốc tế nào.
Nó khởi đầu từ năm 2005 khi môn này bất ngờ bị loại khỏi SEA Games và ngành thể thao coi đó như một lý do bất khả kháng để… khỏi phải quan tâm, đầu tư.
Để rồi, ngay cả thời điểm bóng rổ trở lại vào 2007, môn này tiếp tục bị bỏ qua một cách phũ phàng không thương tiếc, kéo dài cho tới tận bây giờ.
Chưa một môn nào của thể thao Việt Nam, nhất là một môn Olympic, lại rơi vào nghịch cảnh 11 năm liên tiếp không có ĐTQG, tự rút khỏi hành trình hội nhập với thế giới, như bóng rổ.
Trong 11 năm “bế quan tỏa cảng”, bóng rổ Việt Nam đã phải trả giá đắt với sự tụt hậu toàn diện, rõ nhất ở lực lượng cầu thủ. Họ gần như chỉ tập luyện, thi đấu ở mức duy trì, với tổng số chỉ khoảng 10 trận đấu mỗi năm của một giải VĐQG gồm 2 vòng đấu với chất lượng thấp, nếu không nói là tệ hại.
Theo đánh giá, mặt bằng chung về trình độ của bóng rổ Việt Nam đã quay về… những năm 1980.
Một cách tính & Cái sai tệ hại
Qua thời gian đầu bức xúc, thậm chí còn đấu tranh quyết liệt, chính những người làm bóng rổ rốt cuộc cũng buông xuôi. Các HLV, VĐV coi việc bóng rổ vắng mặt ở SEA Games, không tập huấn ĐTQG là điều mặc nhiên phải chấp nhận. Ngành thể thao cũng hoàn toàn tự tin mình đang có một giải pháp phù hợp, đặt vào bối cảnh chung của TTVN. Bóng rổ có dự SEA Games cũng không thể có thành tích, trong khi đây lại là môn tập thể vô cùng tốn kém. Bởi thế, bóng rổ phải tạm… hy sinh để ưu tiên nguồn kinh phí chung hạn hẹp cho các môn có thể đáp ứng thành tích trước mắt.
Ở đây còn có thể thấy rõ phần trách nhiệm của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam khi không chứng tỏ được vai trò, khả năng của mình. Liên đoàn đã “đứng yên” hoàn toàn chấp nhận việc ngành thể thao loại bóng rổ khỏi danh sách tập huấn, xuất ngoại hết năm này qua năm khác.
Với một năm hay một giải đấu cụ thể, việc bóng rổ tạm thời bị ngành thể thao bỏ qua có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, khi nó kéo dài tới 11 năm, khiến cho môn này đã rơi xuống tận đáy thì phải coi đó là một thảm họa.
Đó rõ ràng là một cách tính và cái sai tệ hại. Xét trên cả điều kiện, tiềm năng, xu thế được minh chứng qua nhu cầu và phong trào nở rộ, chắc chắn đời sống thể thao Việt Nam không thể thiếu bóng rổ. Và người ta cũng không thể xoa tay mãn nguyện với thành quả phong trào mà “bỏ chết” mảng đỉnh cao chỉ vì trình độ yếu, lại tốn kém và khó làm.
Hà Thảo
Hai kỳ SEA Games gần đây, bóng rổ Việt Nam đã tái xuất song không phải với 2 ĐTQG nam/nữ được ngành thể thao cùng Liên đoàn tuyển chọn, tập huấn như các môn khác mà lại do 2 đội bóng của TP.HCM làm đại diện. Họ phải tự lo toàn bộ kinh phí chuẩn bị và dự tranh. Tại SEA Games 28, đội nữ toàn thua 5 trận, còn đội nam với nòng cốt là CLB Saigon Heat cũng thua tới 3 trận (chỉ thắng 2 trận).
Giải VĐQG chính là nơi đang thể hiện rõ nhất cả nền tảng và diện mạo bết bát của bóng rổ Việt Nam khi chỉ có 7 đội nam và vỏn vẹn 5 đội nữ tham gia tranh tài. Đáng nói hơn, ngay cả số lượng các đội bóng vốn đã quá “hẻo” ấy lại phân thành nhiều nhóm trình độ khác nhau, với khoảng cách rõ rệt. Riêng giải nữ, chỉ có 5 đội nhưng cũng có tới 3 nhóm. Trong đó, nếu như “đàn chị” TP.HCM hoàn toàn vượt trội, đấu như đi dạo vẫn vô địch thì “em út” Quận 1 (TP.HCM) chỉ ngang với một đội bóng phong trào.
Thảm cảnh của bóng rổ Việt Nam đã được phơi bày “đỉnh cao” ở giải VĐQG 2012 với giải đấu của nữ chỉ có sự góp mặt của 3 đội TP.HCM, Quảng Ninh và Phú Thọ. Có nghĩa là cả một giải qua 2 vòng cách nhau nhiều tháng, mỗi đội chỉ đấu 4 trận (2 trận ở vòng 1 và 2 trận ở
vòng 2). Cực chẳng đã, BTC đã đưa ra một quyết định “độc nhất vô nhị” trong lịch sử TTVN: Mỗi vòng sẽ có lượt đi – lượt về nhằm tăng số trận đấu cho mỗi đội lên gấp đôi.