Quảng Ninh giải cứu bóng chuyền nữ
10 năm bế tắc
Quảng Ninh từng là một trung tâm của bóng chuyền nữ Việt Nam, với đỉnh cao là 3 chức VĐQG liên tiếp trong các mùa 1999- 2000 -2001.
Họ cũng đi tiên phong theo mô hình xã hội hóa khi được chuyển giao cho ngành Bưu điện tỉnh. Thế nhưng kể từ 2005 sau sự rút lui của nhà tài trợ Tuần Châu, cùng sự bỏ bê của chính ngành thể thao, đội đã sớm rơi vào thảm cảnh, kể cả kinh phí lần nhân lực.
Trong nhiều năm, đội bóng đất Mỏ không có sự bổ sung lực lượng và một số trụ cột giải nghệ hay xin đi vì mức thu nhập quá thấp, chỉ 2-3 triệu đồng/tháng. Có mùa dù chắp vá đủ kiểu, Quảng Ninh chỉ có một đội hình 8 cầu thủ với 6 chính thức và 2 dự bị, thiếu tới 4 người so với quy định tối thiểu.
Hậu quả tất yếu, các nhà cựu VĐQG rớt xuống đấy của giải đấu, với một vòng tròn buồn thảm qua các mùa: Tụt hạng, lên hạng rồi lại tụt hạng. Các cầu thủ nữ vùng Than từng lập một “kỷ lục” đáng hổ thẹn khi toàn thua 20 trận đấu chính thức ở 2 mùa liên tiếp 2012 và 2013. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia cũng nản và ái ngại cho “tượng đài” một thời này tới mức khuyên đội nên xóa đi làm lại, may ra mới thoát thảm cảnh. Thậm chí, nếu ngành thể thao tỉnh không có phương án đổi mới, tốt nhất đội nên giải tán luôn.
Niềm tin & sự đột phá
Rất may mắn cho bóng chuyền Quảng Ninh vẫn còn những người luôn giữ niềm tin yêu và tinh thần chiến đấu tới cùng, nổi bật là cựu tuyển thủ quốc gia Lê Hiền.
Bất chấp những thua thiệt đủ đường và bản thân cũng được nhiều đội mời gọi, phụ công từng cùng ĐTVN giành tấm HCB lịch sử tại SEA Games 2001 này vẫn bám trụ với đội bóng quê hương. Chính chị đã đóng vai chỗ dựa duy nhất giúp các em, thậm chí cả các thầy vượt qua được giai đoạn gian nan nhất. Chính Hiền khi được tin tưởng giao phó làm HLV trưởng của đội từ mùa 2014 đã nung nấu về một sự thay đổi.
Đội quân vừa yếu vừa thiếu dưới sự dẫn dắt của cô Hiền đã trước hết “tự cứu” bằng cách lao vào tập luyện, lấy quyết tâm và nỗ lực để bù lại cho trình độ cùng điều kiện. Vị HLV trẻ này cũng mạnh dạn đề xuất đội ngừng chơi mùa 2014, không dự tranh bất cứ cuộc đấu nào để tập trung chuẩn bị. Và Quảng Ninh ưu tiên đặc biệt vào việc tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ.
Đến mùa 2015, Quảng Ninh đã thực sự lột xác so với chính mình, ít nhất có đủ một đội hình 12 cầu thủ. Tuy họ không sở hữu gương mặt xuất sắc nào song lại có lối chơi gắn kết và bản sắc. Và đội nữ đất Mỏ đã thi đấu thăng hoa tại giải hạng A, giành 1 trong 2 suất lên chơi giải VĐQG 2016.
Ngoạn mục hơn, thành quả cô trò Lê Hiền đã nhận được được sự tưởng thưởng xứng đáng. Không lâu lễ mừng công với phần thưởng 100 triệu đồng, đội đã nhận quyết định về chế độ chính sách đặc thù từ HĐND tỉnh vào cuối năm ngoái, trong đó đưa ra định mức ưu đãi riêng về thu nhập, do ngân sách chi trả. Thu nhập cứng của cả đội gắn với từng chức danh, vị trí đã tăng lên 4-5 lần lúc trước. Đơn cử HLV trưởng ngoài mức đang hưởng còn được hỗ trợ thêm khoảng 16 triệu đồng/tháng, đội trưởng không dưới 9 triệu, hay các cầu thủ chính thức là trên 7 triệu.
Thu nhập của thầy trò Lê Hiền, từ chỗ thấp nhất làng bóng chuyền đã vọt lên nhóm thứ 2, có lẽ chỉ sau một vài đội bóng doanh nghiệp như Bình Điền Long An hay Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Theo chế độ đặc thù mới, đội nữ Quảng Ninh cũng lần đầu tiên có thể chiêu mộ HLV hay VĐV thời vụ từ nơi khác về với mức chi trả có tính cạnh tranh cao so với mặt bằng chung bóng chuyền VN. Đội có thể trả 21-22 triệu đồng/ tháng trong trường hợp thuê HLV trưởng, hay 15-16 triệu đồng/tháng cho 1 cầu thủ chất lượng. Riêng về cầu thủ, đội được phép chiêu mộ tới 4 người mỗi mùa.
Đội bóng nữ Quảng Ninh từng trải qua một mùa giải 2013 “kinh hoàng” khi toàn thua cả 10 trận ở 2 vòng đấu bảng giải VĐQG, với 9 trận thua với tỷ số 0-3, cùng 1 trận thua 1-3. Có nghĩa là, cả giải, họ chỉ thắng được đúng 1 hiệp đấu.
Nhờ chính sách đột phá, HLV Lê Hiền có đủ nguồn lực để đang tích cực tìm kiếm 4 cầu thủ thuộc loại tốt, kể cả tuyển thủ quốc gia nhằm tăng cường sức mạnh cho đội ở mùa 2016, với mục tiêu tối thiểu cũng nằm ở nhóm trụ hạng an toàn. Rất đặc biệt vì Lê Hiền đã liên hệ và nhận được cái gật đầu của người đồng đội cũ Trần Hiền. Chủ công hay nhất của ĐTQG một thời này sau một thời gian dài “du mục” qua nhiều nơi sẽ quay trở lại đội bóng cũ để làm trợ lý kiêm cầu thủ.