Trào lưu đi săn chỉ để... chụp ảnh đẹp
Sau nhiều thập kỷ số lượng các thợ săn tại Mỹ suy giảm, con số này đã tăng mạnh trở lại trong những năm qua, theo như ủy ban Fish & Wildlife Service thăm dò. Tuy nhiên, không như 50 năm trước, khi phần lớn các thợ săn chỉ bắn thỏ, sóc và chim, số lượng các thợ săn tăng mạnh ngày nay là vì một xu hướng lớn: cuộc săn lùng. Nghĩa là cuộc đi săn của họ kéo dài trong khoảng 10 ngày hoặc hơn thế với chi phí từ 32.000 USD trở lên và mục tiêu là những con nai sừng và gấu xám.
Khỏi phải nói, tất cả đều hứng thú và sôi sục với ý nghĩ họ sẽ được vác trên vai những bộ gạc nai đủ to để treo trong phòng khác hay được khoe với tất cả các tấm hình chụp cùng với chiến tích của mình. Bên cạnh đó, những cuộc đi săn kéo dài còn là thử thách cho tất cả về sự dẻo dai và mang đến cho họ nhiều khám phá mới về thiên nhiên. “Một ngày chúng tôi đi bộ hơn 10km, leo trên những dãy núi cao với khối đồ nặng trên 50kg và con số này sẽ gấp đôi sau khi chúng tôi săn được con mồi,” Graham Hobbs, một nhà kinh doanh bất động sản ở New York cho biết. Hobbs cũng tiết lộ thêm, để chuẩn bị cho cuộc đi săn tại Alaska hồi tháng 9 vừa qua, ông đã phải dành nhiều tháng tập chạy marathon và tập tạ để tăng cường thể lực.
Điều ngạc nhiên là số lượng thợ săn và các cuộc đi săn ở Mỹ vẫn tăng bất chấp những chỉ trích từ phía các nhà hoạt động xã hội và thiên nhiên về tính chất tàn ác khi giết hại động vật. Chẳng đâu xa thì hè vừa qua, nha sĩ người Minnesota, Walter Palmer, đã giết một con sư tử có tên Cecil tại Zimbabwe và bức ảnh ông ta chụp bên con vật đã tạo ra một làn sóng phản đối trên toàn cầu.
Tuy vậy, tất cả cũng không thể ngăn cản được trào lưu đi săn không chỉ thỏa mãn đam mê mà còn để tìm kiếm các bức ảnh đẹp và tung lên mạng xã hội. Họ có thể bị xã hội chỉ trích nhưng trong giới thợ săn, những chiến tích giúp họ có được một cái nhìn nể phục từ đồng nghiệp. Eva Shockey là một ví dụ.
Cuối năm ngoái, ngôi sao của Outdoor Channel đã gây sốc khi khoe những tấm hình chụp một con gấu bị bắn trong cuộc đi săn tại Bắc Carolina. Vì những tấm hình này, cô nhận được không ít lời chỉ trích và đe dọa nhưng đối với các thợ săn, Shockey là một người hùng.
Bên cạnh đó, giới thợ săn còn cho rằng, sở dĩ những cuộc săn thú tăng mạnh trong nhiều năm qua là vì chính chính phủ Mỹ cũng đã thu rất nhiều tiền từ thuế và đóng góp cho các quỹ từ thiện từ những thợ săn. Đấy là chưa kể họ có thể phải trở về nhà trong tay không vì có những người không muốn bắn các con mồi quá bé hoặc quá non.
Thậm chí, nhiều thợ săn chỉ coi các cuộc săn lùng là cơ hội để họ rèn luyện thể lực và tinh thần, đặc biệt với những người lớn tuổi. Ai đủ bản lĩnh có thể trụ lại tới 10 ngày hoặc hơn thế trong rừng sâu hoặc trên núi mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào sau khi ô tô và máy bay thả họ vào hoang dã. Còn những người kém hơn thì chỉ sau 5-6 ngày chống chọi với mưa rừng, bão tuyết, thể lực suy giảm hay không tìm được con mồi thích hợp, họ đều muốn trở về nhà.
Thế mới nói, không phải ai cũng có cơ hội được khoe chiến tích trên Facebook hay Twitter như Palmer và Shockey.