Trung Quốc đăng cai Olympic Mùa đông 2022: Hàng “fake” vẫn thắng
Trung Quốc đã tổ chức thành công Olympic Bắc Kinh 2008 như thế nào thì ai cũng biết, nhưng đó là Thế vận hội mùa hè. Vậy nên khi quốc gia đông dân nhất thế giới này đưa Bắc Kinh vào cuộc tranh đua giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2022, không ít đối thủ đã cười thầm. Họ không tin một thành phố có khí hậu lục địa ẩm và chịu ảnh hưởng của gió mùa, khá khô hạn, có đặc trưng là mùa hè nóng và ẩm do ảnh hưởng của gió mùa Đông Á; và mùa đông thường lạnh và khô do ảnh hưởng của khối áp cao Siberia, lại có thể tổ chức Thế vận hội mùa đông. Sự kiện này cần tuyết, không chỉ vài cơn mưa tuyết, mà là rất nhiều tuyết để phục vụ thi đấu.
Thế mà người Trung Quốc không đùa, và kết quả là họ đã thắng, đã đánh bại mọi đối thủ cạnh tranh để trở thành chủ nhà Olympic mùa đông 2022. Trong cuộc bầu chọn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), thành phố Bắc Kinh vượt qua đối thủ là thành phố Almaty của Kazakhstan rất sít sao, với 44 so với 40 phiếu bầu. Và Bắc Kinh trở thành nơi đầu tiên trong lịch sử đăng cai cả Olympic mùa hè và mùa đông.
Câu hỏi lớn nhất là nước chủ nhà sẽ tổ chức các môn thi đấu mùa đông như thế nào, khi mà ông trời không phải lúc nào cũng làm mưa tuyết tại Bắc Kinh suốt cả ngày? Và vì sao phần lớn các quan chức IOC lại chọn Bắc Kinh chứ không phải Almaty, nơi chắc chắn sẽ có đủ tuyết để tổ chức giải đấu?
Đơn giản vì Bắc Kinh cũng sẽ có đủ tuyết, không phải là tự nhiên, mà là nhân tạo. Một kế hoạch chi tiết để tạo ra lượng tuyết khổng lồ ở các con núi xung quanh thành phố sẽ được tiến hành. Và chứng kiến người Trung Quốc thậm chí có thể làm “tuyết rơi giữa mùa hè”, các quan chức IOC cũng phải ngả mũ thán phục.
Từ lâu Trung Quốc đã là thiên đường của “đồ nhái” trên toàn thế giới, thậm chí bất cứ thứ gì xa xỉ nhất cũng có thể được tái tạo lại ở đây. Vậy nên sẽ không ngạc nhiên khi họ có thể tạo ra những bông tuyết giả để chống lại cả quy luật của trời đất.
Truyền thông thế giới gọi sự kiện này là chiến thắng của những “bông tuyết giả” (fake snow). Nhưng có lẽ tất cả phải đồng thuận rằng, Trung Quốc vẫn là số 1 ngay cả khi dùng “hàng fake”!
ANH KHANG